Việc Australia huỷ hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng không ảnh hưởng đến tình hình cung cấp khí đốt tại Trung Quốc.

Thứ năm, 07/01/2010 10:40

Một số quan chức và chuyên gia Trung Quốc cho rằng, vụ việc này không ảnh hưởng lớn đến tình hình cung cấp khí đốt của Trung Quốc trong tương lai. Công ty dầu mỏ Woodside (Australia) mới đây tuyên bố, thỏa thuận khung về mua bán khí hóa lỏng được ký kết giữa công ty này với Công ty dầu khí Trung Quốc vào năm 2007 không còn có hiệu lực. Đáng chú ý, đây là thỏa thuận thương mại có giá trị lớn nhất mà doanh nghiệp Trung Quốc và Australia từng ký kết.

Theo thỏa thuận khung được ký kết giữa Công ty dầu mỏ Woodside và Công ty dầu khí Trung Quốc vào tháng 9/2007, trong vòng 20 năm kể từ năm 2013, công ty Woodside sẽ cung cấp cho phía Trung Quốc mỗi năm từ 2 - 3 triệu tấn khí hóa lỏng. Tổng giá trị của thỏa thuận này tương đương hơn 40 tỷ USD.

Theo công ty Woodside, nguyên nhân để công ty này tuyên bố huỷ thỏa thuận khung với công ty dầu khí Trung Quốc là do công ty này không đạt được nhất trí với một đối tác của mình về một dự án đầu tư ở miền Tây Australia để có thể cung cấp khí hóa lỏng cho phía Trung Quốc theo đúng thời hạn đã thỏa thuận.

Sau khi tin tức về việc Công ty Woodside tuyên bố huỷ thỏa thuận với Công ty dầu khí Trung Quốc được báo chí đăng tải, thị trường Trung Quốc đã có phản ứng khá mạnh. Có ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng cung cấp khí đốt của Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, theo một số quan chức và chuyên gia trong ngành, quyết định của Công ty Woodside không ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp khí đốt của Trung Quốc trong những năm tới đây.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng và phát triển chiến lược Trung Quốc Lưu Tiểu Lệ, sau khi ký kết thỏa thuận khung, việc hai bên không thể ký thỏa thuận chính thức, là hành vi thương mại bình thường. Mọi người không cần phải quá lo lắng và mổ xẻ thái quá về việc này.

Giáo sư Lưu Nghị Quân, trường Đại học dầu mỏ Trung Quốc thì cho rằng, so với tổng nhu cầu khí đốt của Trung Quốc trong năm 2009, lượng khí hóa lỏng Công ty Woodside dự kiến cung cấp cho phía Trung Quốc trong một năm chỉ chiếm khoảng 4,5%. Đến năm 2013, tỷ lệ này sẽ còn thấp nữa do tổng nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng lên. Bởi vậy, việc Công ty Woodside không thể cung cấp khí hóa lỏng cho Trung Quốc như đã thỏa thuận không ảnh hưởng thực chất đến tình hình cung cấp khí đốt tại Trung Quốc.

Ngoài ra, việc cung ứng khí đốt của Trung Quốc đang được đa dạng hóa, ngoài lượng khí đốt sản xuất trong nước, Trung Quốc đã có các nguồn nhập khẩu khí đốt ổn định từ Nga, Myanmar và khu vực Trung Á. Mới đây, tuyến đường ống dẫn khí đốt nối Trung Quốc với khu vực Trung Á đã chính thức khai thông và sẽ cung cấp khí đốt vào giữa tháng 1/2010.

Giáo sư Lưu Nghị Quân nhận định, trước và sau năm 2012, tình hình cung cấp khí đốt của Trung Quốc, nhìn chung là khá lạc quan./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực