WHO đang nghiên cứu về các nguy cơ từ biến thể Omicron

Thứ hai, 29/11/2021 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron có dễ lây truyền hơn hoặc là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không.
 Ảnh minh họa: dw.com

Thông báo cùng ngày của WHO nêu rõ: “Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ số ca nhập viện ở Nam Phi gia tăng, nhưng điều này có thể là do số người nhiễm bệnh tăng, chứ không phải do riêng nhiễm biến thể Omicron". Theo WHO, hiện vẫn chưa rõ, liệu biến thể Omicron có dễ lây truyền từ người sang người hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không, ngay cả khi số người phát hiện dương tính với COVID-19 đang gia tăng tại châu Phi – nơi biến chủng Omicron được phát hiện.

Tuy nhiên, WHO nhắc lại rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này có thể cao hơn. Thông báo của WHO cũng xác nhận rằng hiện không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác, và việc tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần.

WHO khẳng định, biện pháp xét nghiệm PCR hiện tại vẫn có thể giúp các ca mắc biến thể Omicron, trong khi các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được tiến hành để hiểu biến thể Omicron sẽ tác động như thế nào đến các loại vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 hiện có. Hiện WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với các biện pháp ứng phó COVID-19 hiện nay, bao gồm cả tiêm vaccine.

Ngày 26/11, WHO chính thức đặt tên cho biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là B.1.1.529 tên gọi Omicron và xếp vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại". Theo các nhà khoa học, Omicron có tổng cộng khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.

Omicron phiên bản virus đột biến và được đánh giá là nguy hiểm nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, giới khoa học cần thêm khoảng vài tuần nữa mới có thể xác định liệu các đột biến có làm cho Omicron tăng khả năng lây lan, giảm hiệu quả của vaccine hay né miễn dịch không.

Trong khi đó, trước lo ngại biến thể Omicron có thể gây ra làn sóng COVID-19 mới, nhiều nước trên thế giới đã lập tức hạn chế đi lại đối với nhiều nước châu Phi. Tuy nhiên, ngày 29/11, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti đã kêu gọi các nước trên thế giới tuân thủ theo các chỉ dẫn khoa học hơn là áp đặt lệnh cấm các chuyến bay nhằm khống chế chủng virus mới. Theo ông Moeti, các nước cần để mở biên giới trong bối cảnh giới khoa học đang nỗ lực tìm cách ứng phó với chủng virus mới.

“Với biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới, việc áp dụng lệnh cấm đi lại nhắm vào châu Phi sẽ tấn công sự đoàn kết toàn cầu” – ông Moeti nói.

Theo quan chức của WHO, việc hạn chế đi lại có thể đóng vai trò trong việc giảm nhẹ sự lây lan của COVID-19 song lại tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế của người dân. Ông Moeti cho rằng, ngay cả khi các biện pháp hạn chế được thực hiện thì các nước cần dựa trên cơ sở khoa học./.

T.Lan (Theo Xinhua, aljazeera, channelstv)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực