WHO đang theo dõi sát sao một loạt các biến thể phụ của Omicron

Thứ sáu, 15/04/2022 08:00
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nước cần sẵn sàng phản ứng nhanh và trên quy mô lớn đối với đại dịch này, mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục giảm.

WHO hiện đang theo dõi sát sao một loạt các biến thể phụ của Omicron, trong đó có BA.2, BA.4 và BA.5, cũng như  biến thể tái tổ hợp của BA.1 và BA.2. WHO khuyến cao cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến nghị của cơ quan y tế, đồng thời khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang tại nơi đông người và trong không gian kín để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.

WHO đang theo dõi sát sao một loạt các biến thể phụ của Omicron (Ảnh minh họa: Reuters) 

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 15/4 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 883.368 ca nhiễm, 2.993 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 502.767.291 ca, trong đó 6.216.852 ca tử vong và  452.994.050 ca đã được chữa khỏi.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (185.933.280 ca), tiếp theo là châu Á (144.872.073 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (97.278.941 ca) và Nam Mỹ (56.515.113 ca). Châu Phi (11.818.388 ca) và châu Đại Dương (6.348.775 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 với 82.219.900 ca mắc, trong đó 1.014.539 ca tử vong. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở nước này là 20.977 ca. Giới chuyên gia nhận định điều tồi tệ nhất trong đại dịch COVID-19 ở Mỹ dường như đã qua, tuy nhiên những ngày đen tối có thể vẫn đang ở phía trước nếu nước này không chuẩn bị ứng phó. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Omicron dòng phụ BA.2 đã thay thể biến thể mẹ, trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ. Biến thể mới dường như đang làm gia tăng số ca nhiễm sau tiêm, và khó điều trị hơn.

Tại châu Á, thành phố Thượng Hải ghi nhận hơn 27.000 ca mắc COVID-19, mức cao mới theo ngày kể từ đầu dịch. Cụ thể, ngày 14/4, Thượng Hải thông báo thêm 2.573 ca mắc có triệu chứng, tăng so với mức 1.189 ca trước đó một ngày. Giới chức thành phố cho biết số ca lây nhiễm mới tiếp tục tăng dù biện pháp phong toả một phần đã được áp đặt do lây nhiễm giữa các thành viên trong cùng gia đình vẫn diễn ra.

Tại châu Âu, Pháp, Đức, Italy vẫn là những quốc gia ghi nhận thêm số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất khu vực, lần lượt là 137.342 ca, 160.914 ca và 64.951 ca. Tại Italy, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 2/2020, nước này đã ghi nhận 161.032 ca tử vong do COVID-19, mức cao thứ 2 tại châu Âu sau Anh và xếp thứ 8 trên thế giới. Tính đến ngày 13/4, Italy ghi nhận tổng cộng 15,4 triệu ca mắc COVID-19.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi xác nhận đã phát hiện biến thể BA.4 và BA.5  của Omicron ở nước này và cơ quan này đang theo dõi sát sao nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Bộ Y tế đánh giá thấp khả năng 2 biến thể này có thể gây ra làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 tại Nam Phi.

Tại châu Đại Dương, Australia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực. Trong 24 giờ qua, Australia ghi nhận thêm 53.426 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.260.331 ca, trong đó 6.693 ca đã tử vong và 4.756.356 ca đã bình phục./.

KG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực