WHO khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay cả khi nhiễm COVID-19 hay sau tiêm vaccine

Thứ năm, 05/08/2021 15:31
(ĐCSVN) – Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không phát hiện thấy trong sữa mẹ và việc nuôi con bằng sữa mẹ là an toàn ngay cả khi người mẹ mắc COVID-19 hay tiêm vaccine ngừa COVID-19.
 WHO khẳng định việc nuôi con bằng sữa mẹ là an toàn ngay cả khi người mẹ mắc COVID-19 hay tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)

Đây là khuyến cáo từ Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu và được truyền thông nước ngoài dẫn lại ngày 4/8. Phát hiện mới nhất này dù dựa trên "một số nghiên cứu hạn chế", song đã thuyết phục WHO tin rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ là an toàn, ngay cả khi người mẹ mắc COVID-19, chỉ cần họ thực hiện một số biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiêm vaccine COVID-19 cho bà mẹ đang cho con bú không gây rủi ro cho trẻ bú mẹ.

Trong thông cáo báo chí phát đi cùng ngày, Giám đốc về chính sách y tế thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu Natasha Azzopardi Muscat bày tỏ: “Là một người mẹ đã nuôi cả 3 con bằng sữa mẹ, tôi hiểu rằng sữa mẹ là một trong những nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, kể cả những bà mẹ nghi hoặc đã mắc COVID-19… Chỉ cần các bà mẹ áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp, thì họ có thể tiếp tục cho con bú”.

Theo khuyến nghị hiện hành của WHO về các biện pháp phòng ngừa của bà mẹ bị nhiễm COVID-19 khi cho con bú bao gồm: Vệ sinh đường hô hấp trong khi cho trẻ bú – gồm đeo khẩu trang hoặc che miệng và mũi; rửa tay bằng xà phòng nước trong 20 giây trước và sau khi bế bé; thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật dụng đã chạm vào.

“Sau khi tiêm vaccine, kháng thể chống virus sẽ xuất hiện trong sữa mẹ và thậm chí có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị nhiễm COVID-19” – tuyên bố của WHO nêu rõ.

Từ những lập luận nêu trên, Văn phòng WHO khu vực châu Âu  kêu gọi những bà mẹ đang cho con bú tiêm vaccine khi đến lượt, đồng thời khuyến khích các bà mẹ không ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine. Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe và sự sống còn của trẻ, bao gồm cung cấp kháng thể và bảo vệ trẻ.

“Lợi ích từ việc cho con bú và nuôi dưỡng mối quan hệ tương tác giữa người mẹ và trẻ sơ sinh là nhằm ngăn ngừa lây nhiễm, tăng cường sức khỏe và sự phát triển của trẻ - vốn là những điều đặc biệt quan trọng khi các dịch vụ y tế và các dịch vụ công cộng khác bị gián đoạn hay hạn chế do tác động của đại dịch” – bà Muscat bày tỏ.

Tuy nhiên, thông cáo của Văn phòng WHO khu vực châu Âu cũng chỉ ra một thực tế đáng quan ngại khi hiện nay, chỉ 13% trẻ sơ sinh trong khu vực gồm 53 quốc gia này được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong giai đoạn 6 tháng đầu đời. Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất ghi nhận được trong các khu vực có WHO đại diện. Trong khi đó, mới chỉ có 1//3 số người trưởng thành trong khu vực được tiêm chủng đầy đủ, ngay cả khi dịch bệnh đang hoành hành nghiêm trọng ở châu Âu, với số ca nhiễm lên tới hơn 60 triệu./.

Thu Lan (Theo WHO, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực