Không khí ô nhiễm đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người. (Ảnh: Financial Post)
Đó là nội dung trong báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 2/5, dựa trên kết quả phân tích chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời, phối hợp với những dữ liệu thu thập được từ 4.300 thị trấn và thành phố của 108 nước trên thế giới.
Công trình nghiên cứu này tập trung vào những hạt không khí có đường kính từ 2,5 đến 10 micromet (PM10) và những phần tử không khí có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2,5). Trong đó, những phần tử không khí chứa độc tố có đường kính dưới 2,5 micromet gồm sulfate và các-bon đen được xem là gây nguy hiểm nhất đối với sức khỏe vì có thể xâm nhập sâu vào trong phổi hay hệ thống tim và mạch máu của người.
Dữ liệu do WHO công bố ngày 2/5 cho thấy, không khí bị ô nhiễm đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trên thế giới và tình trạng ô nhiễm không khí ở các nước nghèo thường nghiêm trọng hơn so với các nước giàu.
Tổ chức của Liên hợp quốc cảnh báo những độc tố trong không khí có thể dẫn tới ung thư phổi, đột quỵ, đau tim và những căn bệnh về đường hô hấp.
Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Ô nhiễm không khí đang đe dọa tất cả chúng ta. Tuy nhiên, những người thuộc tầng lớp nghèo nhất và những người giữ khoảng cách xa nhất với sự phát triển xã hội chính là đối tượng phải gánh chịu nhiều áp lực”. Ông Ghebreyesus cho rằng, việc có tới hơn 3 triệu người trên thế giới – hầu hết là phụ nữ và trẻ em, phải hít thở bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày do những chiếc bếp lò đun nấu và nhiên liệu gây ô nhiễm tại chính ngôi nhà của họ là điều “không thể chấp nhận được”.
Theo báo cáo, có tới hơn 90% nạn nhân bị tử vong bởi tình trạng ô nhiễm không khí tại các nước thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu tại châu Á và châu Phi.
Tình trạng ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân khiến 4,2 triệu người tử vong vào năm 2016. Cũng trong giai đoạn trên, 3,8 triệu người đã tử vong do hít phải không khí ô nhiễm trong nhà từ việc nấu ăn bằng những nhiên liệu gây ô nhiễm như than củi. Đáng lo ngại hơn, số liệu thống kê của WHO cũng lưu ý thêm rằng, hiện đang có khoảng hơn 40% dân số thế giới không được tiếp cận với những nhiên liệu hay công nghệ nấu ăn sạch tại chính ngôi nhà của họ.
Báo cáo do WHO đưa ra ngày 2/5 ghi nhận, hiện đang có ngày càng nhiều khu vực trên thế giới được tiếp cận với những nguồn nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, sự chuyển biến này không bắt kịp tốc độ tăng trưởng dân số tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Phi hạ Sahara./.