WTO nâng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu

Thứ ba, 05/10/2021 10:50
(ĐCSVN) - Ngày 4/10, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2021 và 2022 lần lượt là 10,8% và 4,7% nhờ sự gia tăng trở lại của các hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm nay.
 Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. (Ảnh: AFP)

Theo báo cáo, hoạt động thương mại toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng tới 10,8% trong năm 2021, tức tăng thêm 2,8% so với mức dự báo công bố tháng 3 vừa qua. Tương tự, mức dự báo tăng trưởng thương mại cho năm 2022 là 4,7%, tăng 0,7% so với dự báo trước đó.

“Thương mại là một công cụ quan trọng trong việc chống lại đại dịch và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đã cho thấy tầm quan trọng của thương mại trong việc củng cố đà phục hồi kinh tế toàn cầu”, Tổng giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định.

Tuy nhiên, bà Ngozi Okonjo-Iweaka cho rằng, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm sự phân hóa về mặt kinh tế giữa các khu vực trên thế giới. 

WTO dự báo, tăng trưởng sản lượng hàng xuất khẩu năm 2021 tại khu vực châu Âu là 9,7%; châu Á là 14,4 %; châu Phi là 7%; Bắc Mỹ là 8,7%; Nam Mỹ là 7,2%... Trong khi đó, sản lượng hàng nhập khẩu năm 2021 dự kiến sẽ tăng 12,6% ở Bắc Mỹ; 19,9% ở Nam Mỹ; 9,1% ở châu Âu; 11,3% ở châu Phi; 10,7% ở châu Á...

WTO đồng thời cảnh báo, tình trạng bất bình đẳng này kéo dài sẽ kéo theo nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn, đe dọa nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và gây tổn hại những tiến bộ kinh tế mà thế giới đạt được. 

Tổ chức này cũng cảnh báo những nguy cơ khi lạm phát tăng đột biến, có thể khiến các ngân hàng trung ương sớm điều chỉnh các chính sách tiền tệ bổ sung nhằm hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng lạm phát gia tăng chỉ là yếu tố tạm thời do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia của WTO cho rằng các vấn đề từ phía cung ứng như khan hiếm chất bán dẫn và hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển có thể làm căng thẳng chuỗi cung ứng, nhưng không có khả năng tác động lớn đến đà phục hồi nói chung của kinh tế toàn cầu. Theo WTO, rủi ro lớn nhất đe dọa sự phục hồi của thương mại vẫn chính là đại dịch COVID-19.

Báo cáo của WTO cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã giảm 3,8% trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng có thể tăng 5,3% trong năm 2021 và 4,1% vào năm 2022 do các hoạt động kinh tế dần phục hồi và các quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua mà phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo, bất chấp kinh tế toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu phục hồi thì các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19./.

H.Hà (Theo Washington Post, Mint)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực