WWF: Hơn 43 triệu ha rừng đã biến mất trong thập kỷ qua

Thứ tư, 13/01/2021 16:29
(ĐCSVN) – Ngày 13/1, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) công bố số liệu cho thấy thực trạng đáng quan ngại, đó là chỉ tính riêng trong một thập kỷ qua, hơn 43 triệu ha rừng (tức rộng hơn diện tích nước Đức) đã biến mất. Điều đáng nói, đây chỉ là con số ghi nhận tại một số điểm nóng chặt phá rừng.
Ảnh: Bangkokpost 

Theo WWF, những diện tích rừng rất lớn đang tiếp tục bị tàn phá hàng năm, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp quy mô lớn, trong khi những khu vực đa dạng sinh thái đã bị phát quang để lấy chỗ canh tác và chăn nuôi.

Dữ liệu của WWF cho thấy chỉ 29 điểm nóng tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á đã chiếm hơn 50% tổng diện tích rừng bị tàn phá trên toàn cầu. Trong đó, các vùng rừng Amazon và Cerrado thuộc Brazil, vùng rừng Amazon thuộc Bolivia, rừng ở các nước Paraguay, Argentina, Madagascar, hay khu vực Sumatra và Borneo ở Indonesia và Malaysia là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn phá rừng.

Trong đó, khu vực Cerrado thuộc Brazil, vốn là ngôi nhà của 5% thực vật và động vật trên hành tinh, thì đất đai đã bị phá hủy nhanh chóng để trồng đậu nành và chăn nuôi gia súc, dẫn đến hậu quả là đã khiến 32,8% diện tích rừng bị mất trong giai đoạn 2004-2017.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo mang tính đột phá, chỉ ra một loạt hậu quả của việc phát quang rừng lấy đất sử dụng. Trong khi đó, Ủy ban Liên hợp quốc về đa dạng sinh học nêu rõ 75% tổng diện tích đất trên toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng do hoạt động của con người.     

Rừng được ví là “lá phổi xanh của trái đất”, cùng với các thảm thực vật và đất hấp thụ 1/3 tổng lượng ô nhiễm carbon mà con người tạo ra hàng năm. Tuy nhiên, rừng đang biến mất một cách nhanh chóng. Điều này đang tạo ra những tổn thất không thể bù đắp đối với hệ đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trên trái đất.

Theo đánh giá của Trưởng nhóm nghiên cứu rừng của Liên hợp quốc Fran Raymond Price, nạn phá rừng có thể có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm từ động vật giống như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo bà Price, khi rừng bị thu hẹp, các loài động vật hoang dã có xu hướng tìm kiếm không gian sinh tồn mới. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện các căn bệnh truyền nhiễm mới, nhất là tại các khu rừng nhiệt đới đang bị phá hủy nghiêm trọng. 

“Chúng ta phải giải quyết tình trạng tiêu thụ quá mức, cũng như đề cao giá trị của sức khỏe và thiên nhiên thay vì quá chú trọng vào tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận tài chính bằng mọi giá như hiện nay...” – bà Price nói.

Trưởng nhóm nghiên cứu rừng của Liên hợp quốc cảnh báo, nếu nạn phá rừng không nhanh chóng được kiềm chế, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội giúp ngăn chặn đại dịch tiếp theo./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực