Tổng thống D.Trump lại cảnh báo phủ quyết NDAA

Thứ hai, 14/12/2020 11:25
(ĐCSVN) – Sáng 14/12 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ D.Trump nhắc lại tuyên bố sẽ phủ quyết dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA), ngay cả khi văn kiện đã được lưỡng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo.
 Tổng thống Mỹ D.Trump. (Ảnh: DW)

Trước đó, NDAA trị giá 740 tỷ USD cho năm tài khóa 2021 đã được Thượng viện Mỹ thông qua với 84 phiếu thuận, cao hơn mức 2/3 số phiếu đồng thuận để ngăn Tổng thống phủ quyết dự luật này. Hôm 8/12, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua NDAA với tỷ lệ 335 phiếu thuận và 78 phiếu chống.

Sau khi dự luật được Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua ngày 11/12 và đệ trình lên Tổng thống, ông D.Trump sẽ có 10 ngày (không tính các ngày chủ nhật) để phủ quyết, hoặc ký ban hành thành luật. Trong trường hợp Tổng thống D.Trump phủ quyết, dự luật sẽ được chuyển trở lại Hạ viện. Nếu nhận được 2/3 số phiếu bác quyết định phủ quyết tại Quốc hội, dự luật này vẫn sẽ trở thành luật mà không cần tới chữ ký của Tổng thống.

Trong một thông điệp phát trên trang Twitter cá nhân, ngày 13/12, ông D.Trump giải thích lý do để ông phủ duyết dự luật NDAA vì cho rằng, dự luật quốc phòng mới của Mỹ sẽ "làm lợi" cho Trung Quốc. Tuyên bố trên của ông D.Trump là lời bác bỏ trực tiếp những hy vọng rằng, sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với NDAA – vốn đã trở thành luật trong 59 năm liên tiếp, sẽ khiến Tổng thống “cân nhắc lại” lời cảnh báo mà ông đã đưa ra.

Cho tới nay, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận tức thời nào liên quan tới thời điểm mà ông D.Trump sẽ hành động.

Theo báo Washington Post, dự luật NDAA bao gồm các khoản kinh phí giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công. Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc.

Theo tờ DW, dự luật NDAA năm nay còn đề cập tới một điều khoản ngăn chặn kế hoạch của ông D.Trump nhằm rút hàng nghìn binh sỹ Mỹ khỏi các căn cứ tại Đức. Dự luật còn bao gồm các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.

Còn tờ Reuters cho rằng, Tổng thống D.Trump phản đối NDAA tài khóa 2021 với lý do nó không loại bỏ Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp (CDA), vốn được dùng để bảo vệ các công ty công nghệ như Alphabet của Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những thông tin xuất hiện trên nền tảng ứng dụng của những tập đoàn này.

Về phía ông D.Trump đã nhiều lần cáo buộc rằng các công ty công nghệ có thành kiến chống bảo thủ - điều mà các công ty này luôn bác bỏ. Trong khi đó, các nhà lập pháp tại lưỡng viện thì lại khẳng định, những lo ngại về mạng xã hội không nên xóa bỏ luật pháp – vốn được coi là “phần thiết yếu” của Lầu Năm góc.

Trong một động thái hiếm hoi nhằm phản đối ông D.Trump, Lãnh đạo phe đa số tại thượng viện – ông Mitch McConnell đã kêu gọi chính quyền Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật NDAA vì cho rằng, văn kiện này sẽ giúp ứng phó trước các hành vi quân sự của Trung Quốc.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, một số quyết sách mà ông D.Trump đưa ra vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, gồm cả NDAA có thể sẽ đẩy Tổng thống đắc cử J.Biden vào thế khó khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ tiếp quản “ghế nóng”. Diễn biến này cũng được dự báo là sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhà làm luật Mỹ vào thời điểm họ đang chạy đua để có được thỏa hiệp về các gói cứu trợ COVID-19./.

Thu Lan (Theo DW, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực