Chuyện nhập quốc tịch cho cầu thủ ngoại ở Việt Nam: Cửa không đóng, nhưng hẹp

Thứ ba, 05/01/2010 19:59

Theo đánh giá của một số chuyên gia, cơ hội để các cầu thủ ngoại đang thi đấu ở Việt Nam được trở thành “nội binh” sẽ trở nên cực kỳ khó khăn, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2009).

Trong điều kiện bình thường, quá trình để một cầu thủ nước ngoài trở thành công dân Việt Nam sẽ phải trải qua 21 “cửa” (tức là các đơn vị và cơ quan chức năng), và chỉ cần tắc ở một “cửa” thì nỗ lực xin nhập quốc tịch Việt Nam coi như đổ sông đổ bể. Tổng cộng thời gian để hoàn tất quá trình này là 428 ngày.

Theo đánh giá của một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao, bình thường việc xin nhập quốc tịch Việt Nam đã khá chặt chẽ, nhưng nay với Nghị định 78 thì sự sàng lọc càng gắt gao.

Vị luật sư này phân tích: “Người muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải có thẻ thường trú tại Việt Nam không dưới 5 năm, mà theo tôi được biết, tất cả các cầu thủ nước ngoài ở Việt Nam đều chưa có thẻ thường trú. Và để xin được thẻ thường trú cũng là một vấn đề khó khăn. Cơ quan cấp thẻ thường trú là Bộ Công an, căn cứ theo Pháp lệnh Xuất nhập cảnh để cấp thẻ, mà Pháp lệnh Xuất nhập cảnh chỉ cho cấp thẻ thường trú trong thời hạn 3 năm, thế nên ai muốn có quota 5 năm thì phải xin thẻ 2 lần, và thời gian để chờ cấp thẻ là 6 tháng. Tức là, nếu hôm nay một người xin làm thẻ thường trú thì phải 5 năm 6 tháng anh ta mới đủ điều kiện để xin được nhập quốc tịch Việt Nam”.

Theo vị luật sư này, kể từ khi Nghị định 78 được đưa vào thực hiện, mới chỉ có duy nhất một trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam là ông Menras André Marcel, công dân Pháp vì đã có những hành động ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ (ông Menras đã được đích thân Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết trao cho quyết định nhập quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp TP.HCM vào chiều ngày 1/12/2009).

Ngoài vấn đề thẻ trường trú, yêu cầu “biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam (khả năng này được đánh giá trên cơ sở giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống) phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó” trong Nghị định 78 cũng sẽ làm không ít cầu thủ ngoại đang có kế hoạch xin nhập quốc tịch Việt Nam cảm thấy lúng túng.

Tuy nhiên, yêu cầu này lại được một số nhà chuyên môn ủng hộ, bởi “một người đã sống 5 năm liên tục trong cộng đồng người Việt ở Việt Nam lại không nói được tiếng Việt thì quả thật là điều khó chấp nhận”. Có một sự thực là ngay cả một số ngoại binh đã có quốc tịch Việt Nam cũng chưa chắc đã thành thạo tiếng Việt, và sở dĩ họ qua được kỳ thi phỏng vấn tiếng Việt là bởi đã học thuộc lòng những câu thông dụng.

Vì thế, việc đặt ra yêu cầu này là hoàn toàn hợp lí, bởi ở Mỹ và một số quốc gia EU, người ta còn đưa ra những bài kiểm tra ngôn ngữ mang tính chất khó khăn hơn nhiều để dành cho những người có nguyện vọng xin nhập quốc tịch. Chẳng hạn như ở Mỹ, ứng viên xin nhập quốc tịch phải hát được quốc ca Mỹ, có thể không rõ giai điệu nhưng phải đúng và rõ lời.

Tóm lại, với việc ban hành Nghị định 78, cánh cửa để một công dân nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam đã trở nên khó khăn hơn nhiều. Xét cho cùng, đây cũng là một quy định hợp lí để ngăn chặn trào lưu nhập tịch cho ngoại binh đang ngày càng lan rộng, bởi từ khi Luật Quốc tịch Việt Nam được đưa vào thực hiện, đại đa số trường hợp người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam đều là các cầu thủ, và trong số này, có rất ít người mà “việc nhập quốc tịch của họ có lợi cho Nhà nước Việt Nam”.

Nghị định 78 quy định gì?

Theo Nghị định, để nhập quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch cần có 3 điều kiện: Thứ nhất là biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Thứ hai phải là người đang thường trú tại Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú. Thứ ba là khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, những trường hợp sau được miễn một số điều kiện khi nhập quốc tịch Việt Nam: người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc người mà việc nhập quốc tịch của họ có lợi cho Nhà nước Việt Nam (là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, thể thao...).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực