Hòa Bình: Gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc

Thứ ba, 18/05/2021 10:22
(ĐCSVN) - Việc luyện tập, thi đấu các môn thể thao dân tộc ở tỉnh Hòa Bình đã và đang có những bước phát triển vững chắc và đúng hướng. Nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong việc phát triển các môn thể thao dân tộc...

Theo ông Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, đến nay hầu hết tại các địa phương đều có sân chơi, bãi tập thể thao. Hằng năm tại các địa phương đều tổ chức những giải thể thao truyền thống và chú trọng đến các môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, vật dân tộc... Các hoạt động thể thao dân tộc diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi và động viên mọi người tích cực rèn luyện, nâng cao sức khỏe.

Người dân xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tích cực tham gia luyện tập môn ném còn. (Ảnh: Thu Thủy). 

Huyện Tân Lạc là một trong những địa phương đi đầu ở Hòa Bình với phong trào luyện tập các môn thể thao dân tộc phát triển khá sâu rộng. Với mục tiêu giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc, huyện Tân Lạc luôn quan tâm, duy trì và mở rộng hoạt động luyện tập các môn thể thao dân tộc trên phạm vi toàn huyện; thường xuyên thu hút được nhiều người tham gia tập luyện và thi đấu. Hằng năm, huyện đều có kế hoạch phối hợp với các đơn vị, các xã tổ chức các giải thể thao dân tộc thu hút đông đảo bà con nhân dân và các vận động viên tham gia. Nhờ vậy hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện có gần 20 câu lạc bộ thể thao cơ sở, 100% trường học chấp hành tốt chương trình dạy thể dục thể thao trong nhà trường, 100% xã có đội thể thao tập luyện thường xuyên, liên tục... Các đội thể thao đều có các thành viên nòng cốt am hiểu về các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, chạy cà kheo, ném còn, kéo co... Tại các giải thi đấu thể thao dân tộc cấp tỉnh, Tân Lạc luôn giành vị trí cao. Điển hình là tại Giải Vô địch Bắn nỏ - kéo co - đẩy gậy tỉnh Hòa Bình năm 2020, đoàn vận động viên huyện Tân Lạc xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn với 17 huy chương các loại,

Không chỉ ở huyện Tân Lạc mà tại toàn bộ 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc đã luôn được thực hiện có hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã gắn việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tuyên truyền động viên, khuyến khích người dân giữ thói quen luyện tập thể thao, nhất là các môn truyền thống như: Đẩy gậy, tu lu, kéo co... Vào các buổi chiều, không khó để bắt gặp tại hầu hết các bản, làng, khu dân cư hình ảnh người dân Hòa Bình vui vẻ luyện tập, thi đấu giao lưu các môn thể thao dân tộc ở sân nhà văn hóa hoặc các bãi đất rộng. Đặc biệt, việc nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Mông... cũng được gắn với tổ chức hoạt động thi đấu thể thao. Điển hình là lễ hội Mường Động (Kim Bôi), lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội Gầu Tào, xên Bản, xên Mường (Mai Châu)...

 Các môn thể thao dân tộc luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Minh Hà).

Nét nổi bật trong giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc ở tỉnh Hòa Bình đó là các địa phương đã phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư, người có uy tín. Do đó, tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt, vận động nhân dân tự đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Các giải đấu, hoạt động thể dục thể thao đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên; thành sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế thể thao tại các khu dân cư. Phong trào luyện tập, thi đấu các môn thể thao dân tộc phát triển còn là cơ sở để phát hiện, tuyển chọn nhiều vận động viên nòng cốt tham gia thi đấu các môn thể thao dân tộc ở cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Tuy nhiên, việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc ở Hòa Bình hiện chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phong trào luyện tập còn hạn chế, chưa được triển khai thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức các giải thi đấu thể thao dân tộc ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục. Nguồn lực đầu tư cho thể thao dân tộc nhìn chung còn hạn chế... Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc duy trì, phát triển hoạt động luyện tập, thi đấu các môn thể thao dân tộc cũng gặp nhiều khó khăn.

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân duy trì việc tập luyện thường xuyên các môn thể thao dân tộc. Tăng cường thực hiện chính sách khuyến khích thể thao dân tộc trên cơ sở phù hợp với điều kiện của từng địa phương; quan tâm phát triển lực lượng huấn luyện viên các môn thể thao dân tộc; mở rộng phát triển các môn thể thao dân tộc trong các trường học; tích cực tổ chức giải thi đấu thể thao dân tộc ở các cấp... Qua đó, không chỉ giúp nâng cao thể chất, sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần phong phú, lành mạnh cho nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực