Hướng đi mới cho du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

Thứ sáu, 08/01/2010 17:04

  
Du khách được tham gia vào các hoạt động nơi thôn dã     (ảnh KT) 

Nhiều du khách rất hào hứng với du lịch nông nghiệp. Nhờ phát triển loại hình này mà nhiều vùng nông thôn có cơ hội đổi mới, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Loại hình du lịch nông nghiệp (farmtour) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai ở 3 tỉnh An Giang, Tiền Giang và Lào Cai. Sau 3 năm thực hiện, loại hình du lịch này đã làm cho du khách đến tham quan rất hào hứng, thích thú. Dự án được sự tài trợ của Tổ chức Agriterra (Hà Lan) và sự giúp đỡ của Tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực phát triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, để loại hình du lịch nông nghiệp với những bước đi chập chững có thể vững vàng trên đôi chân của mình rất cần nguồn “năng lượng” để vươn mình.

Áo mới trên quê hương

Ở tỉnh An Giang, 2 xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và Văn Giáo, huyện Tịnh Biên được chọn thực hiện farmtour đã có những bước khởi động tích cực. Bước đầu đã tổ chức các tour cho 20 đoàn, với hơn 300 khách tham quan ở các điểm triển khai dự án; đồng thời, các hộ dân cũng đã tự đón tiếp hơn 3.000 lượt khách tham quan, giải trí, ăn uống tại vườn nhà của mình.

Tại điểm đón du khách theo chương trình farmtour ở xã Văn Giáo, ông Chau Kim Sary, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng đến với tour du lịch này, du khách sẽ được đi xe ngựa vào tận phum, sóc tham quan. Điểm đến là làng dệt thổ cẩm ở ấp Strây SàKốth, nơi nấu đường thốt nốt ở ấp Mằng Rò, các ngôi chùa Khmer cổ kính. Và điều phấn khởi là khi thực hiện dự án, các phum, sóc được đầu tư đường sá; nhà cửa được nâng cấp, sửa chữa sạch đẹp và người dân còn có thêm thu nhập. Hơn hết, ý thức về vệ sinh môi trường được nâng lên. Người dân có ý thức nâng cao trình độ giao tiếp, kỹ năng sản xuất kinh doanh qua tiếp xúc và đón khách du lịch tại nhà của mình.

Ông Chau Kim Sary cho biết: “Dự án mang lại lợi ích rất lớn cho người dân Khmer, giúp cho một số khung dệt hoạt động trở lại. Vui hơn là người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh phum sóc, dời chuồng bò ra khỏi nơi sinh hoạt. Bà con rất ủng hộ dự án này”.

Dự án "Du lịch nông nghiệp" triển khai tại các địa phương của 3 tỉnh An Giang, Tiền Giang và Lào Cai như luồng gió mới thổi vào nông thôn – nơi có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có sự quy hoạch cụ thể dựa trên việc nghiên cứu khoa học rất cơ bản và tổng thể về các nguồn lực. Thông qua việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp nhằm tạo mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn nước ta.

Và những trăn trở

Sau 3 năm triển khai Dự án “Nâng cao năng lực du lịch cho Hội Nông dân” vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Trong đó, việc triển khai nghiên cứu đánh giá nhu cầu thị trường du lịch nông nghiệp tại 3 tỉnh Tiền Giang, An Giang, Lào Cai còn chậm và kết quả chưa cao. Bên cạnh đó, chưa có quy hoạch cụ thể cho từng địa phương để phát triển du lịch nông thôn; chưa có sự chuẩn bị tốt về nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương có tài nguyên du lịch nông thôn để họ sẵn sàng tham gia hoạt động này, từ đó giảm bớt được những tệ nạn thường gặp như chèo kéo khách, cung ứng sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng, dần làm mất đi bản sắc văn hóa của địa phương. Mặt khác, lĩnh vực hoạt động văn hóa cổ truyền, khôi phục và phát triển những ngành nghề thủ công ở địa phương chưa được hỗ trợ, đầu tư nhiều.

Ông Lê Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hoà Hưng, 1 trong 2 địa phương ở An Giang triển khai dự án, cho rằng: “Những hộ dân trong dự án vẫn chưa có sự quan tâm nhiều và chưa triển khai mạnh việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, một vài hạng mục của dự án chậm triển khai nên chưa thu hút được nhiều khách”.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Ban quản lý dự án thuộc Hội Nông dân tỉnh An Giang thừa nhận: “Điểm triển khai là vùng cù lao nên phương tiện đưa rước khách rất khó. Đường từ phà vào điểm du lịch chỉ đi được xe 2 bánh nên rất bất tiện”.

Do vậy, để cho dự án du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, theo ý kiến của nhiều người tham gia dự án và của du khách đến tham quan thì cần khai thác hiệu quả việc sử dụng các cơ sở du lịch cộng đồng và cá nhân được hỗ trợ, đầu tư. Bên cạnh đó, có sự hướng dẫn nhóm “Nông dân đồng sở thích” xây dựng quy chế phối hợp và chia sẻ lợi nhuận, phân phối hợp lý, tránh tình trạng bất bình đẳng trong việc điều phối khách du lịch đến các hộ gia đình. Theo bà Nguyễn Xuân Thuỷ, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch South Pacific tại TP. HCM - một trong những đơn vị kinh doanh du lịch có thế mạnh về việc tổ chức các tour du lịch cho du khách Nhật Bản đến với Việt Nam cho rằng, vấn đề cốt lõi là cần hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương và tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được duyệt, tránh tình trạng làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông thôn kém tính bền vững.

Mặt khác, theo bà Thủy, địa phương cũng cần xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với địa phương mình, như mô hình trang trại hoặc mô hình du lịch theo quy mô làng để du khách có thể tham gia các hoạt động của làng trong vài ba ngày với các tiện nghi dịch vụ có chất lượng. Bà Thủy cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh ở nông thôn.

Bà Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Chúng ta phải định hình được du lịch nông nghiệp là gì? Bên cạnh đó phải xây dựng được sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và tuyên truyền quảng bá mạnh với vai trò cầm trịch của Tổng cục Du lịch”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực