Olympic vẫn là đấu trường khó với thể thao Việt Nam

Thứ ba, 03/08/2021 15:42
(ĐCSVN) – Đoàn Thể thao Việt Nam đã kết thúc các môn thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Các vận động viên dù rất nỗ lực nhưng không giành được huy chương nào.

Không đạt mục tiêu đề ra

Trong kỳ Thế vận hội này, Đoàn Thể thao Việt Nam đề ra mục tiêu là có huy chương. Nhưng, Olympic là đấu trường quốc tế lớn nhất, danh giá nhất và khốc liệt nhất. Để giành huy chương là cực kỳ khó khăn, bởi vậy, khi lên đường đến với Thế vận hội, Đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ mong cố gắng vượt qua chính mình. Sự kỳ vọng về huy chương có chăng cũng chỉ dành cho những cái tên như: Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Trương Thị Kim Tuyền; Nguyễn Huy Hoàng…

5 năm sau khi giành Huy chương Vàng Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh vẫn là niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020. Thế nhưng, xạ thủ này đã bị loại từ vòng loại khi chỉ có 573 điểm, thua xa kết quả Olympic Rio 5 năm trước khi anh có 581 điểm.

Nhận tấm vé mời tham dự Olympic 2020 ở nội dung 10m súng ngắn hơi, Hoàng Xuân Vinh chỉ có hơn 1 tháng để tập luyện với cường độ cao, không thi đấu, tập huấn quốc tế trong cả năm trời thì dù đẳng cấp đã ở hàng thế giới cũng gặp khó khăn nhất định. Trong khi đó, để phát huy bản lĩnh ở những loạt bắn chung kết lại phải vượt qua vòng loại, vốn khắc nghiệt không kém. Chính bởi vậy, thất bại của Hoàng Xuân Vinh dường như điều tất yếu, khi anh đã qua thời đỉnh cao và không thể vượt qua cái ngưỡng của chính bản thân.

Đoàn Thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: Getty). 

Tại Olympic lần này, Đoàn thể thao Việt Nam đặt hy vọng hàng đầu đặt vào cử tạ. Truyền thông Mỹ đã từng dự đoán, đô cử Hoàng Thị Duyên (25 tuổi) sẽ giành được 1 Huy chương Bạc ở nội dung 59kg nữ và Thạch Kim Tuấn (27 tuổi) giành 1 Huy chương Đồng nội dung 61kg nam. Với những thành tích đáng nể của cặp này, sự kỳ vọng của thể thao Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Hoàng Thị Duyên từng đạt mức tổng cử 216kg tại giải vô địch châu Á 2021 hồi tháng 4. Trong khi đó, Thạch Kim Tuấn từng giành Huy chương Bạc SEA Games 30 với tổng cử 304kg. Khi đặt cạnh những người giành Huy chương Bạc và Huy chương Đồng tại các nội dung 59kg nữ và 61kg nam, năng lực của Duyên và Tuấn đủ sức cạnh tranh huy chương nếu họ thể hiện được năng lực tốt nhất tại Olympic Tokyo 2020.

Tuy vậy, kết thúc nội dung thi đấu hạng 61kg nam, Thạch Kim Tuấn không được công nhận thành tích tổng cử. Anh chỉ thực hiện thành công phần cử giật với 126kg. Cả ba lần cử đẩy Tuấn đều thất bại. So với phần thi đấu của Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên đã thể hiện khá hơn nhưng cô vẫn không thể chiến thắng chính mình. Từ chỗ được nhận định có thể đua tranh một vị trí trong tốp 3, Hoàng Thị Duyên đã gặp trạng thái tâm lý khi các đối thủ khá mạnh. Cuối cùng, cô gái gốc Lào Cai đã chịu thất bại ở mức tạ 119kg.

Ngoài tâm lý thi đấu chưa vững thì một trong những nguyên nhân khiến bộ đôi này không thể hiện đúng năng lực đó chính là những khó khăn trong quá trình đến Olympic Tokyo 2020. Vào cuối tháng 4/2021, khi tham dự vòng loại Olympic Tokyo tại Uzbekistan về nước, hai vận động viên đã phải cách ly y tế tập trung hơn 40 ngày. Thời gian trong nơi cách ly tập trung quá dài khiến vận động viên không có điều kiện để tập luyện chuẩn bị cho Olympic. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong gần 2 năm qua, các vận động viên được tham dự quá ít cuộc thi đấu quốc tế để cọ xát, tăng cường bản lĩnh thi đấu.

Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền cũng được kỳ vọng rất nhiều sau tấm Huy chương Vàng vô địch châu Á 2021. Niềm tin được củng cố khi cô dễ dàng đánh bại đối thủ người Canada Yvette Yong ở ngày ra quân để bước vào tứ kết hạng cân 49kg. Thậm chí, dù gặp hạt giống số 1 là Panipak Wongpattanakit của Thái Lan, Kim Tuyền cũng đã khởi đầu tốt khi dẫn 9-3 ở hiệp 1. Tuy nhiên, sau cùng võ sĩ 24 tuổi vẫn phải nhận thất bại trước đối thủ trên cơ. Trận tranh Huy chương Đồng của Trương Thị Kim Tuyền cũng khép lại sau trận thua 1-22 trước võ sĩ Israel Abishag Semberg.

Cùng với đó, Nguyễn Huy Hoàng cũng là một vận động viên đầy triển vọng của bơi lội Việt Nam tại Thế vận hội lần này khi từng vô địch Olympic trẻ 2018 tại Argentina cũng như nhiều giải quốc tế và khu vực khác. Ở cả hai nội dung 800m tự do và 1500m tự do tại Olympic Tokyo 2020, không một tay bơi nào của châu Á sánh kịp thành tích của Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên điều đó cũng chưa đủ để kình ngư của Việt Nam giành được vé vào chung kết. Cụ thể kình ngư Việt Nam chỉ đạt thành tích 7 phút 54,16 giây kém thành tích của chính anh là  7 phút 52,74 giây. Tại vòng loại Huy Hoàng chỉ đứng thứ 20 trong 34 vận động viên tham gia và kình ngư 21 tuổi đã lỡ hẹn với vòng chung kết.

Như vậy, Đoàn thể thao Việt Nam đã chính thức chia tay Olympic Tokyo 2020 khi cả 18/18 vận động viên tham tranh tài ở Thế vận hội lần này đều không giành được huy chương nào. 

Cần thêm thời gian

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn cho rằng, lần tham dự này Thể thao Việt Nam chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ. Điều đó cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu.

Đến với Thế vận hội lần này, mục tiêu đặt ra là từng nội dung phấn đấu vượt qua chính mình. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên có những nội dung vận động viên thi đấu đạt được mục tiêu đề ra, có một số nội dung vận động viên thi đấu chưa đạt được, thậm chí là thấp hơn thành tích mà vận động viên đã đạt được trong thời gian vừa qua như: Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Judo. Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại Olympic Tokyo 2020, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (Taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực.

Theo ông Phấn, kết quả thi đấu chưa thành công cũng có một phần nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết vận động viên không được đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Điển hình như trường hợp kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, dù đạt 2 chuẩn A (800m và 1.500m) từ rất sớm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, nhiều thời điểm còn không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các vận động viên cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các vận động viên khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh.

“Thời điểm này Olympic vẫn là đấu trường khó với thể thao Việt Nam, chỉ một số ít môn thi, nội dung và vận động viên có khả năng tranh chấp huy chương. Màn thể hiện của 18 vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 đã phản ánh điều này. Chúng ta hy vọng sau 3-7 năm, các vận động viên sẽ bước vào tranh tài trong tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương”- ông Trần Đức Phấn nhận định.

Để điều này thành hiện thực, theo ông Phấn, cần giải quyết được bài toán đầu tư, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, có quan điểm đầu tư rõ ràng, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Dự kiến, sau Olympic, Tổng cục Thể dục thể thao sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải quyết mục tiêu này.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực