Bài 1: Sẵn sàng cống hiến

Người truyền lửa nghề cho đội ngũ công nhân trẻ
Thứ ba, 15/09/2020 16:51
(ĐCSVN) - Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã vinh danh, trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng cho 10 gương mặt công nhân, lao động ưu tú thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu. Trong số ấy, duy nhất có một “bóng hồng”- chị Lê Thị Bé Ba. Chị thường được gọi với cái tên trìu mến “bà đỡ của những sáng tạo” hay “bà đỡ của những mầm ươm tạo”.

Trở về với công việc hằng ngày sau khi nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020, chị nói rất vui và hạnh phúc nhưng đó cũng vừa là động lực vừa là trách nhiệm để chị phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, hỗ trợ được thật nhiều các bạn trẻ đang trên con đường khởi nghiệp.

Bà đỡ của những “mầm ươm tạo”

 Chị Lê Thị Bé Ba luôn hỗ trợ, chia sẻ với những ý tưởng của doanh nghiệp.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế kỹ thuật, chị Bé Ba đã có hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hiện, chị đang giữ vai trò là Phó giám đốc Trung tâm.

Cảm nhận đầu tiên khi tôi được tiếp xúc với chị đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, dễ mến và có một năng lượng tích cực vô cùng lớn. Ở chị sự nhiệt huyết xuất phát từ trái tim để rồi chị say mê với công tác ươm tạo và say mê truyền lại nhiệt huyết ấy cho các lớp thế hệ trẻ. Hàng loạt các sáng kiến được ra đời trong suốt hơn 10 năm qua, đã góp phần chấp cánh bay cao, bay xa cho những dự án khởi nghiệp, giúp hiện thực hóa biết bao ý tưởng đổi mới, sáng tạo.

Chị kể có những ý tưởng rất hay tuy nhiên lại chưa hoàn thiện để có cơ hội triển khai thực hiện trên thực tế hoặc có những dự án lại gặp những khó khăn về vốn, về quảng bá sản phẩm, bảo hộ thương hiệu…

Như trường hợp của nhóm ông Phạm Thành Lộc, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình với mô hình trồng khí canh ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Mô hình của nhóm ông Lộc ban đầu không được thị trường đón nhận, tưởng như đã “chết yểu”. Thế nhưng, khi tới với chị Bé Ba, chị nhận ra đây sẽ là mô hình “ăn khách” nếu được cải tiến vài chi tiết nhỏ. Từ đó, chị hướng dẫn hỗ trợ xin cấp vốn, và ông Lộc được nhận gói hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, quảng bá sản phẩm. Đến nay, công ty của ông đã có hơn 1.000 khách hàng trên phạm vi cả nước.

Hay như sản phẩm bột trà rau má của Công ty Thiên Nhiên Việt. Lúc đầu quy trình chưa ổn định nên năng suất chưa cao, sản phẩm còn đơn điệu. Sau khi được Trung tâm hỗ trợ, dự án này cũng đã kêu gọi đầu tư vốn được khoảng 1 tỷ đồng. Mặc dù hiện nay dự án này vẫn đang trong thời gian nhận được sự hỗ trợ từ bên trung tâm của chị Bé Ba song sản phẩm bột trà rau má của Thiên Nhiên Việt đã được thị trường đón nhận nhiệt tình. Công ty cũng đã mạnh dạn cho ra mắt một số sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đặc biệt sản phẩm còn xuất khẩu đi thị trường châu Âu.

Đây chỉ là hai trong những công ty được ươm mầm thành công từ trung tâm nơi chị Bé Ba đang công tác. Đỡ đầu, ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi trứng nước, chị Bé Ba hiểu rằng, để khởi nghiệp thành công là không dễ dàng, nhất là khởi nghiệp bằng con đường nông nghiệp công nghệ cao.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, của các bạn trẻ đang trên con đường khởi nghiệp, để tiếp thêm cho họ sức mạnh, chị càng thêm trân quý mỗi ý tưởng sáng tạo.

"Các bạn trẻ khi có ý tưởng khởi nghiệp đã tìm đến chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là không để những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo bị lụi tàn, mà phải ươm tạo để nó ngày càng phát triển. Trung tâm cho mượn đất, mượn phòng thí nghiệm, hỗ trợ, kêu gọi vốn cho các doanh nghiệp này đầu tư . Ngày càng nhiều sản phẩm độc đáo của các doanh nghiệp có được chỗ đứng trên thị trường", chị Bé Ba cho biết.

Chị nhớ lại những ngày đầu khi mới làm việc tại trung tâm, khi ấy trung tâm mới đi vào hoạt động được 1 năm. Khi nghe từ “ươm tạo”, nhiều người hiểu lầm, cho rằng trung tâm chuyên cung cấp cây giống, con giống. Giờ đây, ai cũng biết, chức năng của trung tâm chính là tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp với những ý tưởng lạ và độc đáo, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác. Thế nên, trung tâm nói chung và chị Bé Ba nói riêng thường xuyên tiếp nhận những “ý tưởng” mới mẻ, sáng tạo. Chị nói, khó khăn vất vả mấy bản thân cũng chịu đựng được, miễn sao hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp một cách tốt nhất. “Thành công của các bạn ấy cũng chính là niềm vui và hạnh phúc của tôi”, chị Bé Ba nói

Luôn mạnh mẽ để có nhiều sáng kiến cho cộng đồng

Những năm gần đây, những doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các trung tâm ươm tạo xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm ươm tạo vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi trung tâm hoạt động theo một cách riêng lẻ, thiếu hiệu quả.

Trước thực tế ấy, tháng 5/2016, chị Bé Ba đã có sáng kiến "Thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ươm tạo doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh". CLB gồm 5 thành viên: Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo DN Công nghệ của trường Đại học Bách khoa TP, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP và Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao.

“CLB tập hợp và chia sẻ kinh nghiệm phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp nhằm mục tiêu thu hút ngày càng cao số lượng ứng viên đầu vào, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ươm tạo được tốt hơn. Từ đó, sẽ hình thành một cộng đồng các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp tại khu vực phía Nam và là lực lượng nòng cốt để đóng góp phát triển cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp ở Việt Nam”, chị Bé Ba cho biết.

Sau gần 5 năm hoạt động, CLB đã thường xuyên tổ chức cho các thành viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chiến lược phát triển, nhu cầu về đào tạo và kỹ năng nghề nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như cung cấp thông tin cho các thành viên trong các hoạt động ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn tổ chức hội thảo, tọa đàm giới thiệu các công nghệ, giải pháp mới, tìm quỹ đầu tư. Tại đây, các thành viên cũng đã hợp tác, liên kết với nhau, tạo ra năng lực mạnh, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, không ngừng hỗ trợ nhau về quản lý, vận hành, xây dựng và phát triển cộng đồng các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp.

Từ hoạt động của CLB thời gian qua và hiệu quả, ý nghĩa mà CLB đem lại, hiện chị cũng đang có kế hoạch mở rộng cho các vườn ươm khác và liên hệ với các trường đại học nhằm tạo điều kiện hỗ trợ để cho cộng đồng ngày càng rộng hơn nữa, hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp ngày một tốt hơn.

 Chị Lê Thị Bé Ba là người phụ nữ duy nhất được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020.

Bên cạnh sáng kiến về mở CLB, chị cũng khá tâm đắc với sáng kiến, cải tiến “Qui chế quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) cho Trung tâm Ươm tạo và các doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại Trung tâm”.

Theo chị Bé Ba, các phương pháp quản lý TSTT ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay khá đơn giản, cụ thể như: việc lưu giữ tài liệu (thông thường, thông tin nội bộ, mật, tuyệt mật…) trong ngăn tủ bàn làm việc, ghi nhận sáng kiến cải tiến của công nhân viên thông qua phương pháp truyền miệng… “Những cách thức quản lý TSTT truyền thống nhìn chung còn khá lỏng lẻo do lãnh đạo một số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc quản trị các TSTT phát sinh trong doanh nghiệp. Điều này gây nên những thiệt hại, mất mát to lớn cho doanh nghiệp khi gặp phải các vấn đề về tranh chấp, xâm phạm quyền, phá hoại, thoái thác trách nhiệm… trong các mối quan hệ nội bộ của doanh nghiệp ươm tạo và giữa doanh nghiệp ươm tạo với các bên có liên quan trên tinh thần tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT)”, chị cho biết.

Do đó, sáng kiến xây dựng và ban hành quy chế quản trị TSTT sẽ thiết lập một khung ứng xử cho các doanh nghiệp ươm tạo liên quan đến việc nhận diện sự phát sinh các TSTT; xác lập quyền sở hữu và ghi nhận quyền nhân thân đối với các TSTT; tổ chức quản lý và khai thác các TSTT; phân bổ lợi ích do các TSTT mang lại; khen thưởng và xử lý vi phạm về SHTT. Việc áp dụng sẽ hạn chế tối đa những thiệt hại, mất mát do việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra đối với các doanh nghiệp ươm tạo. Điều đó có nghĩa, khi sản phẩm ra thị trường không bị mất cắp ý tưởng, giá trị thương mại khá tốt.

Khi được hỏi, là phụ nữ, ngoài công việc còn phải dành một khoảng thời gian chăm lo cho gia đình, điều đó khiến cho chị em có những mặt hạn chế nhất định so với nam giới? Chị cười bảo: “Trong thời đại 4.0 như hiện nay, ở vai trò nào người phụ nữ cũng làm tròn vai của mình. Trong hoạt động khởi nghiệp, tôi thấy chị em cũng rất giỏi và có những lợi thế riêng, các bạn nữ tham gia nhiều và rất tích cực, quyết liệt”.

Có lẽ bằng nghị lực, sự mạnh mẽ đã giúp chị vượt qua tất cả và đạt được những thành công. Với những thành quả đã đạt được, chị muốn truyền đi thông điệp về sự nỗ lực không ngừng để theo đuổi đam mê, đồng thời qua đó có thể truyền lửa cho các bạn trẻ, mạnh mẽ hơn nữa để có những sáng kiến hữu ích cho cộng đồng.

Ngoài công tác chuyên môn, chị Lê Thị Bé Ba còn trực tiếp hướng dẫn đào tạo được đội ngũ 5 chuyên viên tư vấn, quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Các chuyên viên quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp đều có trình độ và chuyên môn cao, nhiệt tình trong công việc. Với chị Bé Ba, tất cả những công việc chị đang làm đều bắt nguồn từ niềm say mê lao động, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm, sẵn lòng cống hiến.

Thành tích của chị đã được UBND TP tặng Bằng khen và từ năm 2016 tới 2019 chị đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Chia sẻ về các cá nhân vinh dự được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP .Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh: “Các anh chị là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, vững tay nghề, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, đổi mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, được tập thể công nhân lao động tín nhiệm, có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp, là lực lượng nòng cốt tích cực tham gia hoạt động hiệu quả tại Công đoàn cơ sở và là người truyền lửa nghề cho đội ngũ công nhân trẻ kế cận”. 
Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực