Địa phương thứ tư được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 13/01/2021 14:00
(ĐCSVN) - Đến nay, 83/83 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 6/6 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngày 31/12/2020, Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ngày 13/01, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Hà Nam tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. 

Hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi công cộng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 1,84% năm 2020. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp. Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM đạt trên 30.935 tỷ đồng. Bình quân huy động nguồn lực đạt trên 2.812 tỷ đồng/năm...

Đến nay, 83/83 xã của tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 6/6 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngày 31/12/2020 Hà Nam là địa phương thứ tư trong cả nước được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12-15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí NTM còn dưới 0,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 95% trở lên...

Biểu dương những thành tích nổi bật của Hà Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII tiếp tục khẳng định tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy đảng, chính quyền trên cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp Nhân dân chung tay, góp sức xây dựng NTM, xây dựng Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Đồng bằng Bắc bộ và vùng Thủ đô.

"Trước hết, Hà Nam cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái...", Phó Thủ tướng gợi ý.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy tặng Cờ và trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020 

Cùng với tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng giúp cho nông nghiệp, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao như du lịch, thương mại, vận tải, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa thể thao ...

Đồng thời, cần rà soát, cập nhật, bổ sung lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khác..., tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư sớm, đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm giao thông vận tải, kết nối vùng, khu vực và trung tâm kinh tế...

Tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cùng với đó nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, viên chức, chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời phát triển hệ thống y tế, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền các cấp hoạt động có hiệu lực hiệu quả, gần dân, sát dân, đảm bảo sự hài lòng của Nhân dân. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Nam cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, huy động sự hưởng ứng và tham gia của người dân để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.

Tin, ảnh: Phúc Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực