10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật 2020

Thứ năm, 31/12/2020 19:44
(ĐCSVN) - Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống con người trên phạm vi toàn cầu, trong đó kinh tế thế giới đã phải trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Sau đây là 10 sự kiện, vấn đề kinh tế thế giới tiêu biểu trong năm qua do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng

Trong báo cáo “Viễn cảnh toàn cầu” mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gọi điều đang xảy ra do tác động của dịch bệnh COVID-19 là “Đại phong tỏa”. Cụm từ này nói đến một thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. 

Người dân đeo khẩu trang đi lại trên đường phố vắng vẻ tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản
trong thời kỳ giãn cách xã hội do COVID-19. (Ảnh: Reuters) 

Đại dịch COVID-19 được ví như một “cú đấm chí mạng” với sức tàn phá ghê gớm, giáng vào nền kinh tế thế giới 2020. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng. Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022-2023, với đầu tư tư nhân và tăng năng suất thấp hơn.

Tốc độ lây lan chóng mặt của COVID-19 đã buộc các quốc gia phải áp đặt các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để chống dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), thước đo rộng nhất của hoạt động kinh tế, vì vậy đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,4% trong năm nay và có thể tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 10, IMF cho biết kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục, nhưng cảnh báo rằng hành trình trở lại ngưỡng sản lượng của trước đại dịch sẽ là một quá trình "dài, không đều, và bấp bênh".

2. Khủng hoảng thị trường lao động

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với thế giới việc làm, tổn thất nghiêm trọng về thời giờ làm việc gây nên bởi đại dịch đã dẫn tới mức sụt giảm “khổng lồ” về thu nhập từ việc làm của người lao động trên toàn thế giới.

 COVID-19 khiến hàng triệu triệu lao động Mỹ Latinh rơi vào cảnh thất nghiệp.
(Ảnh: NNN-AGENCIES) 

Báo cáo cho thấy, mức sụt giảm thời giờ làm việc khổng lồ gây nên bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo “Triển vọng việc làm và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương 2020: vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tương lai việc làm lấy con người làm trung tâm” ước tính hậu quả về kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây nên là mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020. Ở hầu như tất cả các nền kinh tế có số liệu 2020 theo quý, số lượng việc làm đều giảm so với năm 2019.

ILO ước tính, khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỷ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (chiếm phần lớn đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động) trên thế giới (lực lượng lao động toàn cầu là 3,3 tỷ) phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh của họ. Đây là hậu quả của các biện pháp phong tỏa và/hoặc do họ làm việc tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Chỉ trong 3 quý đầu của năm 2020, thu nhập của người lao động giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD. Khủng hoảng trên thị trường lao động và việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài về nghèo đói và những bất ổn về kinh tế - xã hội.

3. Thị trường hàng hóa, tài chính biến động mạnh

Sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến suy thoái toàn cầu và gây bất ổn các thị trường tài chính và hàng hóa.

 Đại dịch gây bất ổn tại thị trường tài chính và hàng hóa. (Ảnh: unido.or.jp)

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô của Mỹ (dầu ngọt nhẹ WTI) giảm xuống mức âm, chạm đáy ở -40,32 USD/thùng (giá đặt giao hàng tháng 5/2020) rồi quay đầu lên -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch ngày 20/4. Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 6/2020 cũng giảm 43% xuống còn 11,57 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2020 tại thị trường London (Anh) giảm xuống còn 19,33 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2002.

Giá vàng thế giới cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. Giá vàng đã duy trì đà tăng giá trong mấy tháng qua và lập kỷ lục mới trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế lớn của thế giới gần như đóng băng vì đại dịch COVID-19. Mức giá cao kỷ lục của vàng, cùng với đó là xu thế giảm giá của đồng USD, phản ánh tâm lý lo lắng của giới đầu tư và kinh doanh toàn cầu. Trước bối cảnh bất ổn và dự báo ảm đạm của kinh tế thế giới, giới đầu tư đã tìm đến kênh đầu tư an toàn là vàng, vốn được coi là "thiên đường trú ẩn an toàn" của dòng vốn.

Thị trường tiền điện tử Bitcoin lần đầu tiên vượt mức 20.000 USD và thiết lập mức cao nhất mọi thời đại. Trong phiên giao dịch ngày 17/12, giá Bitcoin đã thiết lập mức đỉnh kỷ lên tới 20.890 USD, đây là bước ngoặt lịch sử đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Bitcoin trong thời gian qua. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tài sản trú ẩn tăng cao trong bối cảnh các nước tung kích thích tài khóa và tiền tệ kỷ lục để chống đại dịch, nhà đầu tư cần phòng trừ lạm phát và kỳ vọng tiền kỹ thuật số ngày càng được chấp thuận rộng rãi.

Trong đại dịch, mặc dù các hoạt động kinh tế đã suy giảm nhưng đồng USD tiếp tục tăng giá, kéo dài liên tục trong 4 tháng đầu năm, với tổng mức tăng của chỉ số USD index giao ngay và kỳ hạn đều lớn hơn 3% và mới chỉ có xu hướng giảm trong tháng 5 và tháng 6 với tổng mức giảm là 2,18% đối với USD index giao ngay và giảm liên tục trong quý II đối với chỉ số kỳ hạn với tổng mức giảm lớn hơn 1,7%. Diễn biến tăng của đồng USD được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế quyết liệt của nước Mỹ, nhu cầu đầu tư tài sản an toàn gia tăng và đặc biệt là sự thiếu hụt tạm thời về đồng USD trong lưu thông do nhu cầu nắm giữ tiền mặt gia tăng đột biến trong bối cảnh Mỹ và các nước lớn đang cân nhắc để thông qua các gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ.

4. Ngành hàng không thế giới điêu đứng

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho rằng năm 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không thế giới. Tổng giám đốc IATA cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD.

 COVID-19 gây ra sự sụy đổ của ngành hàng không toàn cầu trong năm 2020. (Ảnh: ICAO)

Ngành hàng không đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ngành vận tải hàng không có mối liên kết chặt chẽ với những ngành như sản xuất máy bay, hỗ trợ thương mại quốc tế, du lịch, dịch vụ…

Trong quá khứ, hàng không chỉ chứng kiến một vài lần khủng hoảng và dễ dàng hồi phục. Dịch SARS năm 2003 khiến việc đi du lịch không an toàn nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn ổn. Cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra nhưng di chuyển bằng đường hàng không vẫn an toàn.

Tuy nhiên, năm 2020 lại là quãng thời gian buồn với ngành hàng không quốc tế trước tác động của đại dịch COVID-19. Các lệnh giãn cách, đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại khiến hàng không vừa mất an toàn cũng như sụt giảm về nhu cầu. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo trước ảnh hưởng của đại dịch, khoảng 14% các chuyến bay quốc tế sẽ hoàn toàn chuyển sang dùng tàu cao tốc mãi mãi.

5. Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit)

Kể từ 23 giờ ngày 31/1/2020, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử năm 2016, kết thúc 47 năm thành viên và bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31/12/2020. Sự kiện Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, đánh dấu lần đầu tiên một nước thành viên EU rời khỏi khối này.

 Cờ của Anh đã được gỡ khỏi dãy cờ thành viên trong tòa nhà Hội đồng châu Âu tại Brussels vào ngày Brexit 31/1/2020. (Nguồn: AFP)

Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, thỏa thuận thương mại hậu Brexit đã kết thúc chiều tối 24/12/2020 tại Brussel - một tuần trước khi giai đoạn chuyển tiếp chính thức kết thúc vào ngày 31/12 tới. Thỏa thuận sẽ tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “chia tay” trong hỗn loạn,  đảm bảo dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU. Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit đưa Anh rời khỏi EU.

Theo thỏa thuận hậu Brexit được ký kết, phía châu Âu đã buộc được phía Anh phải lùi bước trong hồ sơ gay cấn nhất là ngư nghiệp. Trong hơn 5 năm, ngư dân các nước châu Âu tiếp tục được vào vùng biển nước Anh đánh bắt cá, thế nhưng phải giao nộp 1/4 sản lượng cho phía Anh. Phía châu Âu cũng ép được nước Anh phải tôn trọng quy chuẩn hàng hóa và dịch vụ của thị trường chung châu Âu, tôn trọng quy tắc cạnh tranh bình đẳng mà châu Âu vẫn áp dụng lâu nay.

Phía Anh cũng thỏa mãn với kết quả đàm phán. Hai bên tiếp tục mở cửa thị trường cho nhau, không đánh thuế, cũng không hạn ngạch. Trung tâm tài chính City London được tiếp tục kinh doanh bằng đồng Euro, cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp của 27 nước châu Âu. Nước Anh giành được quyền tự quyết, vẫn được hưởng lợi thế từ thị trường chung châu Âu, nhưng không phải đóng góp gì cho ngân sách châu Âu nữa.

6. Các Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất về gần 0% nhằm kích thích kinh tế

Trong năm 2020, để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có do tác động của dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử, ngân hàng trung ương tại 60% nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy chính sách lãi suất xuống dưới 1%, trong đó nhiều nền kinh tế thậm chí áp dụng lãi suất âm.

Chủ tịch FED Jerome Powell tại cuộc họp chính sách ngày 16/9. (Ảnh: Getty Images) 

Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản về gần 0%, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chao đảo vì đại dịch COVID-19. Thông báo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho hay ngân hàng này quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1-1,25% hiện nay xuống còn 0 - 0,25%.

Đây là lần đầu tiên FED quyết định giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của FOMC kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm "khẩn cấp" thứ 5 trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vốn có lịch sử hình thành chưa đầy 110 năm.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng trung ương châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia, Philippines... cũng hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thoát khỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có.

7. Thương mại điện tử “bùng nổ” và làn sóng dịch chuyển đầu tư

Cuộc khủng hoảng COVID-19 mang đến những thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ thay đổi nhằm theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử. Mua sắm trực tuyến đang thay thế cho việc mua sắm tại cửa hàng khi hàng tỷ người trên khắp thế giới phải tuân thủ các sắc lệnh yêu cầu ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Thương mại điện tử trong bối cảnh đó đang bùng nổ ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Doanh thu thương mại điện tử toàn cầu dự báo đạt 3.900 tỷ USD trong năm 2020, trong đó riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 2.450 tỷ USD, theo hãng nghiên cứu thị trường Statista.

Mua sắm trực tuyến đang thay thế cho việc mua sắm tại cửa hàng khi hàng tỷ người trên khắp thế giới phải tuân thủ các sắc lệnh yêu cầu ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. (Ảnh: AFP)

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những rủi ro khi cung ứng các sản phẩm, thiết bị thiết yếu bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro.

Trong năm 2019, đã có ít nhất 50 công ty và tập đoàn Mỹ đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc do không thể chịu nổi các đợt thuế quan của Mỹ vào các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bước sang năm 2020 với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 xu hướng này càng trở nên rõ nét. Sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, ngưng trệ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp. Việc bỏ hết "trứng vào chiếc giỏ Trung Quốc" đã được chứng minh là bài học đắt giá. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp phải phân tán rủi ro và thiết kế dự phòng vào chuỗi cung ứng, sản xuất, đặc biệt chú trọng các sản phẩm chiến lược.

8. 54/55 quốc gia ký kết và 34 quốc gia phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do châu Phi

Ngày 11/11/2020, Nigeria thông báo đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Phi (AfCFTA), trước khi thời hạn chót kết thúc vào ngày 5/12/2020. Theo đó, Nigeria, nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất châu Phi đã trở thành quốc gia mới nhất phê chuẩn tư cách thành viên Hiệp định AfCFTA.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari ký Hiệp định AfCFTA ngày 7/7/2019.
( Ảnh: East African)

Theo Ủy ban Kinh tế châu Phi Liên hợp quốc (UNECA), AfCFTA là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới về số lượng các quốc gia thành viên tham gia kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập. AfCFTA hiện là khu vực thương mại tự do bao gồm 54 trong số 55 quốc gia thuộc AU ký kết tại Kigali, Rwanda vào ngày 21/3/2018, trong đó các nước cam kết cắt giảm 90% thuế quan trong thời hạn 5 năm. Eritrea hiện là quốc gia duy nhất còn lại chưa ký kết thỏa thuận lịch sử này.

AfCFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trong khi các cuộc thảo luận quan trọng sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đại dịch COVID-19 đã gây ra các tác động tiêu cực, làm gián đoạn quá trình thực thi thỏa thuận. Hiệp định AfCFTA ban đầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7/2020.

Hiệp định AfCFTA nhằm mục đích gắn kết 1,2 tỷ người, tạo ra một khối kinh tế trên 4.000 tỷ USD, có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới tại khu vực châu Phi. Theo nhà phân tích Amaka Anku, thuộc Eurasia Group, thoả thuận này là một bước đi tích cực, nhưng các quốc gia AU vẫn còn phải rất nỗ lực để có thể thực hiện, vì sự khác biệt quan trọng vẫn tồn tại, không chỉ giữa các nước, mà còn giữa các tiểu vùng, các khối khu vực.

9. RCEP tạo ra Khu vực Thương mại tự do lớn nhất thế giới

Ngày 15/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết.

Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên. (Ảnh: dangcongsan.vn) 

RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Sau tám năm đàm phán, RCEP hoàn tất với quy mô 2,2 tỷ người dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Việc ký kết RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.

Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho các nước thành viên ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho các nước ASEAN, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu. Việc thực hiện Hiệp định RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Hiệp định RCEP là sáng kiến đầu tiên do ASEAN đề xuất và được các nước đối tác ủng hộ.

10. Hội nghị Cấp cao APEC lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến

Ngày 20/11/2020 là năm đầu tiên trong lịch sử, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC), được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27.
(Ảnh: congthuong.vn)

Trong vai trò chủ nhà, Malaysia chọn chủ đề của năm APEC 2020 là "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường và thịnh vượng chung", tập trung vào 3 ưu tiên: Xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; Cải thiện thương mại và đầu tư; Bao trùm, kinh tế số và bền vững sáng tạo. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Malaysia đã tổ chức phần lớn các Hội nghị trong Tuần lễ APEC theo hình thực trực tuyến.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Tuyên bố chung Kuala Lumpur năm 2020, đánh dấu việc hoàn thành thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng về thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC và xây dựng định hướng hợp tác của APEC trong giai đoạn phát triển mới, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 với chủ đề “Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng”./.

Ban Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực