Ấn Độ có thêm gần 234 nghìn ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày

Thứ bảy, 17/04/2021 08:21
(ĐCSVN) – Đến sáng 17/4, thế giới có tổng số 140.497.621 ca nhiễm và 3.011.413 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 822.687 ca nhiễm và 912.426 ca tử vong mới. Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới trong ngày hôm qua.
 Số người nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ liên tục tăng cao. (Ảnh: zeenews.india.com)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 17/4, đã có 119.319.121 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.167.087 ca bệnh đang điều trị, có 18.060.037 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 107.050 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm tới 233.943 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (78.404 ca) và Brazil (76.249 ca). Tuy nhiên, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.070 ca, sau đó là Ấn Độ (1.338 ca) và Mỹ (851 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 183.342 ca nhiễm và 3.693 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.224.321, 4.684.148 và 4.383.572 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.225 ca, sau khi có thêm 34 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (116.366 ca) và Nga (104.795 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với tổng số 37.281.511 ca, trong đó có 844.435 ca tử vong và 28.934.533 ca được điều trị khỏi. Với 32.302.543 ca nhiễm và 579.906 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.295.435 và 1.105.057 ca nhiễm, cùng 211.213 và 23.535 ca tử vong vì COVID-19.

Với 32.977.790 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 17/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 461.334 ca đã tử vong do COVID-19 và 28.881.156 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 14.521.683; 4.150.039 và 2.194.133 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 175.673; 35.320 và 66.008 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 142.451 ca nhiễm và 4.241 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 23.175.306 ca và 616.474 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 76.249 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 13.834.342 vào thời điểm hiện tại. Với 3.070 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 365 ca tử vong mới và Peru với 305 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 17/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.445.360 ca, trong đó có 117.665 ca tử vong và 3.970.160 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.564.355 ca nhiễm và 53.663 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.424 ca nhiễm mới và 92 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 502.847 và 281.777 ca nhiễm bệnh cùng 8.934 và 9.639 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 60.600 ca nhiễm (tăng 15 ca) và 1.166 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 14 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.483 ca, trong đó 910 ca tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng cường tại các quốc gia trên thế giới. Trong một tuyên bố ngày 16/4, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ khẳng định sản lượng vaccine Covaxin sẽ tăng gấp đôi vào tháng 5 và 6 tới, sau đó sẽ tăng gần gấp 6 - 7 lần trong hai tháng tiếp theo. Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ 17 triệu USD nhằm gia tăng sản lượng vaccine Covaxin.

Cùng ngày, chính phủ Chile thông báo vaccine CoronaVac ngừa COVID-19, do hãng dược phẩm Sinovac bào chế, đạt hiệu quả 67%. Theo nghiên cứu thực tế đầu tiên trên thế giới, vaccine CoronaVac có thể ngăn chặn nguy cơ nhập viện tới 85% và ngăn chặn nguy cơ tử vong tới 80%. Để đi đến kết luận trên, Chile đã nghiên cứu trên 10,5 triệu người, bao gồm cả những người đã được tiêm phòng và những người chưa được tiêm. Việc công bố dữ liệu về vaccine CoronaVac đưa Chile trở thành một trong số ít các nước, trong đó có Anh và Israel, thông qua chiến dịch tiêm chủng để thu thập, đánh giá hiệu quả của vaccine ngoài các cuộc thử nghiệm lâm sàng./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực