Băn khoăn trước sự "chuyển mình" chậm chạp của các dự án

Thứ sáu, 09/12/2022 15:30
(ĐCSVN)- Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội bày tỏ “băn khoăn” khi các dự án xử lý rác thải và cải tạo nguồn nước như dự án xử lý rác thải Núi Thoong; nhà máy xử lý rác thải Châu Can; dự án cải tạo khôi phục sông Tích... dù được giám sát vẫn chuyển biến chậm chạp... Các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm và các giải pháp để đưa các dự án vào hoạt động.
leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thành Nam đặt câu hỏi chất vấn. 

Sáng 9/12, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu HĐND TP thực hiện tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND TP và các cơ quan tại kỳ họp trước liên quan đến các dự án đầu tư.

Tại sao các dự án vẫn chưa thể triển khai?

Tái chất vấn về dự án xử lý rác thải Núi Thoong tại huyện Chương Mỹ, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ đại biểu quận Long Biên) đề nghị các sở, ngành liên quan cho biết, kế hoạch triển khai cụ thể và bao giờ hoàn thành dự án. Sở xây dựng có trách nhiệm xử lý thế nào?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, năm 2021, nhà đầu tư có điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng công suất dự án lên 2.000 tấn. Việc nâng cấp cần điều chỉnh theo quy hoạch 69 đã được Chính phủ phê duyệt. Do đó, đối với dự án Núi Thoong, cần phải thực hiện một số điều chỉnh cục bộ theo quy hoạch 69. Trong quá trình điều chỉnh, cần rà soát lại năng lực của chủ đầu tư. Dự án này được cấp chủ trương đầu tư vào năm 2014, đến nay là 8 năm, có nghĩa rằng đã chậm triển khai.

Hiện, Sở Xây dựng đã bàn giao công tác quản lý chất thải rắn sang Sở TN&MT, nên 2 Sở vẫn đang phối hợp chặt chẽ, đồng thời là với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đối với những nội dung liên quan đến dự án.

Về xử lý rác thải Châu Can ở Phú Xuyên, đại biểu Nguyễn Văn Nam (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) báo cáo chi tiết, cụ thể vì sao dự án không thể triển khai? Kết quả rà soát đến nay, hướng xử lý vấn đề này và thời gian hoàn thành?

Thay mặt lãnh đạo UBND TP phụ trách lĩnh vực này giải trình thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, 2 dự án này rất quan trọng với công tác xử lý rác thải của thành phố. Hiện lượng rác của các quận huyện tập trung xử lý ở Sóc Sơn là chính và một phần Sơn Tây, cự li vận chuyển xa, tốn kém ngân sách, và gây ô nhiễm môi trường trên đường đi. Thành phố tập trung đầu tư nhà máy xử lý rác ở phía Nam để giảm tải cho các khu xử lý rác ở Sóc Sơn và Sơn Tây.

Đối với nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Thành phố đã họp ngừng dự án sau đó xem xét thủ tục chấm dứt. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở KH&ĐT trong tuần tới trình chấm dứt dự án, thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc thực hiện vốn từ ngân sách.

Về Nhà máy xử lý rác thải ở Núi Thoong ở Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trước đây TP quy hoạch được duyệt công suất 450 tấn, không đủ phát điện, nhà đầu tư đề nghị nâng cấp lên 2.000 tấn.

Thành phố ủng hộ và yêu cầu thủ tục đầu tư phải chặt chẽ, các sở, ngành phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cục bộ... yêu cầu Sở TN&MT chủ trì sớm trình điều chỉnh quy hoạch lên thành phố. Riêng nhà đầu tư mới có văn bản đề nghị giai đoạn 1 là 450 tấn làm theo quy hoạch, UBND TP đã có văn bản giao Sở KH&ĐT sớm xem xét, sau đó khi điều chỉnh quy hoạch thì tiếp tục điều chỉnh nâng công suất dự án lên đủ 2.000 tấn để đảm bảo đủ phát điện.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND TP nêu. 

Đưa nước sông Đà vào sông Tích trong năm 2022

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt vấn đề liên quan đến tiến độ dự án cải tạo khôi phục sông Tích. Đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ đại biểu huyện Ba Vì) nêu, tính đến ngày 30/11/2022, dự án mới giải ngân được 1% kế hoạch. Hiện nay còn nhiều hạng mục chưa triển khai. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chu Phú Mỹ cho biết tiến độ thực hiện, nguyên nhân chậm triển khai. Liệu đến hết năm 2022 có thực hiện được cam kết đưa nước sông Đà vào sông Tích hay không?

Đối với nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN& PTNN) Chu Phú Mỹ cho biết, thực hiện kết quả của Chủ tọa kỳ họp tháng 7/2022, các ý kiến chỉ đạo sau đợt kiểm tra công trình Sông Tích của Bí thư Thành ủy, về công tác chỉ đạo, điều hành tại Dự án Sông Tích, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã thực hiện kiểm tra trực tiếp tại hiện trường 2 lần.

Các sở, ngành liên quan đã cùng phối hợp để giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn tại dự án Sông Tích, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, xử lý các vấn đề trong thi công dự án Sông Tích, công tác điều chỉnh dự án.

Từ tháng 7/2022, các đơn vị tập trung thi công hoàn thiện nhiều hạng mục bao gồm trạm biến áp, cống, nhà điều hành, tiến độ thi công trên công trường rất tốt. Trên công trường đảm bảo 25-30 tổ máy thi công 24/24. Cũng từ tháng 7 đến nay, giải phóng mặt bằng đã đạt 301ha/302ha, còn lại 1,36ha và dự kiến sớm hoàn thiện trong thời gian tới. Riêng tại thị xã Sơn Tây, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Sở NN&PTNT đã phối hợp Sở TN&MT, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND huyện Ba Vì đã tham mưu và được UBND TP chấp thuận tổ chức 2 bãi đổ thải, tạo điều kiện cho việc thi công. Về kế hoạch giải ngân, toàn bộ kinh phí bố trí 63 tỷ đồng từ năm 2021 đã giải ngân xong. Năm nay đã có hồ sơ thanh toán được 100 tỷ đồng, có hồ sơ thanh toán được 63 tỷ đồng, có hồ sơ thẩm định 50 tỷ đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng cho biết có thể thanh toán được trong tháng 12 khoảng 163 tỷ đồng. Khối lượng trực tiếp trên công trường, từ nay đến hết tháng 12/2022 quyết tâm thanh toán được từ 80 - 100 tỷ đồng. Như vậy là đến hết tháng 12, khối lượng trên công trường sẽ đạt giải ngân từ 250 - 300 tỷ. "Chúng tôi đặt mục tiêu tháng 12 thông nước được sông Đà và sông Tích", Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, từ tháng 8/2022 đến nay đã có 42 văn bản chỉ đạo tháo gỡ các mảng, các lĩnh vực. Đến giờ, tất cả các cái khó khăn, vướng mắc là cơ bản tháo gỡ xong chỉ còn nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thủ tục cũng như là đẩy nhanh tiến độ tại hiện trường.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay thị xã Sơn Tây đã giải phóng mặt bằng xong; huyện Ba Vì thì còn lại 1/37ha. Hiện Ba Vì vẫn đang thực hiện, qua kiểm tra thực tế, UBND huyện Ba Vì cam kết cơ bản giải phóng mặt bằng xong trong năm 2022.

Về thi công, đến giờ cơ bản hoàn thành phần đấu mối, còn lại xử lý lại các phần bên ngoài như hệ thống cống, trong tuần sau chúng tôi sẽ kiểm tra trực tiếp tại công trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định là đã có cam kết với HĐND và dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, của UBND TP sẽ tập trung thông nước trong năm 2022. Các nội dung cơ bản của dự án đến giờ đảm bảo triển khai theo đúng tiến độ. “Đối với giai đoạn 2, Thành ủy, UBND TP cũng đã cho Sở NN&PTNT, doanh nghiệp cùng các sở, ngành tập trung để chuẩn bị dự án đầu tư, làm thủ tục xin được đầu tư vào kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2022 để triển khai tổng thể dự án./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực