Báo cáo Quốc hội giám sát Đề án 30

Thứ năm, 17/06/2010 20:47

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban.

Tại Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Báo cáo về công tác cải cách và đơn giản hóa TTHC để Quốc hội giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Chiều nay (17/6), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc - Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng ( Tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng) đã chủ trì cuộc giao ban với lãnh đạo Tổ công tác Đề án 30 các bộ, ngành về đẩy nhanh tiến độ của Đề án, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời gian trong quá trình thực hiện.

Cần quyết liệt hơn

Theo TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng, kết thúc giai đoạn tự rà soát TTHC, các bộ ngành địa phương đã thực hiện đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu Thủ tướng giao.

Hiện có trên 5.500 TTHC được rà soát, 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, 288 TTHC được kiến nghị thay thế, 3.749 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa đạt 81%.

Về cơ bản, các bộ, ngành cũng đạt chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp đối với những TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, tương đương với gần 30.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, Tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng cũng khuyến cáo, việc tự rà soát của các bộ, ngành còn nhiều tồn tại cần sớm phải khắc phục, phương án đơn giản hóa của một số bộ, ngành vẫn còn mang tính hình thức.

“Nhiều trường hợp áp dụng định mức chi phí rất cao đối với các thủ tục có phương án đơn giản hóa nhằm tăng tỷ lệ cắt giảm chi phí của bộ, ngành mình. Có trường hợp không tính toán chi phí tuân thủ TTHC với lý do không đủ số liệu”, ông Ngô Hải Phan cho biết.

Mặc dù đạt tỷ lệ 81% đơn giản hóa, nhưng nếu tính toán chi phí tuân thủ chính xác hơn thì nhiều bộ, ngành chưa đạt chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi quản lý mà Thủ tướng giao.

Thiết lập hệ thống cơ quan kiểm soát TTHC

Đối với việc triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên, Tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng cho biết, theo tính toán việc đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên sẽ giúp cắt giảm 5.700 tỷ đồng/năm chi phí.

“Điều này khẳng định một lần nữa quyết tâm cải cách TTHC của Chính phủ một cách triệt để, theo hướng cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai Nghị định số 63/NĐ-CP về kiểm soát TTHC. Đây là cơ sở pháp lý để duy trì những kết quả cải cách TTHC mà Đề án 30 đã mang lại.

Theo tinh thần của Nghị định 63/NĐ-CP, một hệ thống các cơ quan kiểm soát TTHC sẽ được thành lập từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở kiện toàn lại 88 Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương. Các bộ phận này được đặt tại Văn phòng Bộ và Văn phòng UBND các tỉnh thành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Việc kiểm soát TTHC ngay từ khâu dự thảo tới triển khai thực hiện theo các tiêu chí rà soát của Đề án 30, kết hợp với việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC.

Báo cáo Quốc hội giám sát Đề án 30

Tại cuộc giao ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trên cơ sở phương án đơn giản hóa TTHC do Tổ công tác Đề án 30 đề xuất và thông qua việc lấy ý kiến nhân dân, trước ngày 30/6 cần hoàn thiện phương án đơn giản hóa đối với TTHC thuộc phạm vi chức năng của lý của bộ, ngành, đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác chuyên trách Đề án 30 trong việc tham vấn các phương án rà soát độc lập đối với trên 5.000 TTHC với tinh thần cầu thị, cải cách mạnh mẽ.

Trong tháng 7, Tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng sẽ tiến hành tham vấn với các bộ, ngành về những TTHC còn ý kiến khác nhau.

Tổ công tác Đề án 30 các bộ, ngành cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành tiến hành triển khai Nghị quyết 25/NQ-CP, đảm bảo đúng tiến độ, đưa vào giao ban hàng tuần của bộ, ngành, có chế tài kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 25 cũng như việc chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai thành lập bộ phận kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành.

Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/NĐ-CP về kiểm soát TTHC, bảo đảm tính liên tục của việc cải cách TTHC trong và sau Đề án 30. Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm bảo đảm tính công khai, chính xác của các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành theo đúng hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Báo cáo về công tác cải cách và đơn giản hóa TTHC để Quốc hội giám sát.

“Tiếp tục việc thực thi trên 5.500 TTHC còn lại, coi đây là quyết tâm chính trị, bài học quan trọng của các bộ, ngành đã triển khai trong thời gian qua để nhân dân và doanh nghiệp “dễ thở” hơn khi thực hiện các TTHC và tin tưởng hơn vào bộ máy hành chính của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực