Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Việt Nam cần công bố hết dịch với 3 tiêu chí

Thứ hai, 15/06/2020 13:50
(ĐCSVN) - Với kết quả chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí.
leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân  phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUOCHOI. VN

Ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước.

Trong phiên thảo luận, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có phát biểu liên quan đến vấn đề dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với kết quả chống dịch ở Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí, và Việt Nam đã đảm bảo cả 3 tiêu chí này. Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (thực tế chỉ có 0,2 người) và thứ ba là không có người chết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.

Đặt vấn đề bây giờ Việt Nam nên làm gì?, ông cho rằng, chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế.

“17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Theo ông, hoàn toàn có cơ sở để làm điều này, vì từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này.

7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.

Tranh luận với ông Nguyễn Thiện Nhân sau đó về đề xuất mở cửa dần dần với các nước, công bố hết dịch theo 3 tiêu chí, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y) cho rằng, cần hết sức cẩn trọng vì “chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ 2 vẫn lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có nước ta”.

Cùng với đó, các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.

Chính vì vậy, theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào khoa học, có ngành y tham vấn, ví dụ cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam. Hay quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định kiểm dịch, phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho các khách muốn nhập cảnh để khách không mang dịch vào Việt Nam.

ĐB cũng nhắc đến vai trò của hệ thống y tế công cộng "đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua". Tuy nhiên, hệ thống này gần đây có nguy cơ suy yếu, không được đầu tư xứng đáng. Ví dụ trong chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỷ đồng.

"Cần có chiến lược đầu tư cho y tế để khi đối mặt với dịch bệnh thì Việt Nam mới có thể là điểm sáng trên bản đồ thế giới", ĐB Hiếu nói./

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực