Bộ Nội vụ nói gì về các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Thứ sáu, 19/03/2021 21:38
(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, liên quan đến những bất cập trong quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của viên chức hiện nay là do thiếu quy định chuyển tiếp.

Tại  buổi Họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 19/3, nhiều câu hỏi liên quan đến những bất cập trong việc yêu cầu các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trong đó có chứng chỉ nâng hạng giáo viên được báo chí đặt ra.

Trả lời về những câu hỏi trên, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết: Việc "giảm tải" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có dự thảo thông tư theo hướng bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. 

Ông Trương Hải Long khẳng định, chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là phù hợp, đúng đắn, tạo sự đồng thuận rất cao ở các bộ, ngành, địa phương. 

Tuy nhiên, ông Long cho hay, Bộ Nội vụ sẽ sớm tổ chức một cuộc họp với các bộ, ngành, đề nghị họ sớm sửa đổi, bổ sung, để đảm bảo sự công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung, giảm tải yêu cầu về chứng chỉ.

Vấn đề còn lại là các chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên…), theo ông Long, Luật Viên chức có quy định, viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Triển khai Luật Viên chức, trước đây Nghị định 18/2010 và sau này là Nghị định 101/2017 có quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Nhưng nghị định chỉ là quy định chung, còn tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn là do các Bộ quản lý chuyên ngành đặt ra. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin tại buổi họp báo.

(Ảnh: TH) 

Qua câu chuyện của Bộ GDĐT khiến các giáo viên bức xúc, theo ông Long, là do có thay đổi giữa chùm thông tư cũ và thông tư mới, trong đó có quy định chứng chỉ nghề nghiệp khiến cách hiểu khác nhau. Một số giáo viên tâm tư lo lắng để được bổ nhiệm vào vị trí mình đang có, họ sẽ phải đi học thêm một số chứng chỉ bổ sung. 

Tuy nhiên, Bộ GDĐT đã kịp thời có công văn 971 ngày 12/3/2021 giải quyết một phần vướng mắc, tâm tư lo lắng của giáo viên. Việc phát sinh chứng chỉ chỉ thực hiện từ thời điểm thông tư có hiệu lực chứ không hồi tố. 

 “Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến với Bộ GDĐT để sửa đổi căn cơ, vướng mắc trong quy định chứng chỉ nghiệp vụ. Chúng tôi cũng sẽ có xem xét, nghiên cứu để đánh giá tổng thể đối với  đội ngũ công chức, viên chức, không chỉ với giáo viên mà cả với biên tập viên, phóng viên… để báo cáo cấp có thẩm quyền có sửa đổi đồng bộ, phù hợp”, ông Long nói.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị định 101 phân cấp thẩm quyền cho bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể vị trí việc làm và mô tả, xác định khung năng lực.

“Đối với giáo viên thì Bộ GDĐT chịu trách nhiệm việc này và đương nhiên phải thống nhất với Bộ Nội vụ”, ông Thăng nói.

Dẫn chứng trường hợp một chuyên viên cao cấp nhưng lại thiếu chứng chỉ chuyên viên chính do thời điểm người này được bổ nhiệm chưa yêu cầu, phải tiếp tục đi học chứng chỉ chuyên viên chính thì không thực tiễn, Thứ trưởng lưu ý các vụ khi xây dựng các văn bản kể cả nghị định, thông tư phải có quy định chuyển tiếp cho những người phát sinh từ thời điểm ban hành, chứ không phải “hồi tố”./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực