Cần cân nhắc khi đầu tư ra nước ngoài

Thứ hai, 14/06/2010 21:00

(ĐCSVN) - Hôm nay 14/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết 66 đã đáp ứng điều kiện yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp bách góp phần đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư và sử dụng vốn Nhà nước, cũng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và đáp ứng yêu cầu qyản lý đặc thù đối với các dự án công trình quan trọng của quốc gia, đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ đối với một số luật như là Luật đấu thầu, Luật đầu tư và các cơ chế chính sách pháp luật về xây dựng cơ bản và nâng cao năng lực hiệu quả trong các quyết sách của Quốc hội.

Về vấn đề đầu tư ra nước ngoài, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng: Việt Nam hiện nay đã đầu tư ra 51 quốc gia và lãnh thổ, phần lớn và số vốn lớn nhất nằm ở các công ty Nhà nước. đại biểu cho rằng vốn đầu tư từ 10% trở lên và con số ngày xưa là 20.000 tỷ bây giờ lên 35.000 tỷ cũng được, nhưng tỉ trọng vốn Nhà nước 10% là phù hợp. Nghị quyết sửa đổi này theo hướng nới rộng phạm vi, giao cho Chính phủ nhiều hơn. đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Quốc hội thận trọng, vì một công ty bình thường đầu tư ra nước ngoài sẽ có những rủi ro nhất định, những rủi ro đó thì công ty chỉ chịu trong số vốn hữu hạn của họ, tức là trách nhiệm đa số là hữu hạn nhưng nếu Nhà nước đầu tư ra nước ngoài thì trách nhiệm là vô hạn. Đại biểu Xuân lấy ví dụ trường hợp của BP khi xảy ra sự cố tại Mỹ thì công ty BP đang đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, tức là họ sẽ bán hoặc cổ phiếu họ sẽ tụt xuống gần như bằng 0, nếu như họ phải chi quá nhiều cho bồi thường. Tuy nhiên nếu đó là một công ty của Chính phủ thì dù cho công ty đó hết tiền thì Chính phủ vẫn phải chi tiếp tục để khắc phục sự cố".
Lấy ví dụ tiếp đại biểu Nguyễn Đình Xuân chỉ ra vụ việc của Việt Nam Airline bị kiện ở nước ngoài, khi Việt Nam Airline xảy ra sự cố kiện tụng ở nước ngoài thì họ sẽ phong tỏa tài sản của Chính phủ Việt Nam chứ không phải chỉ Việt Nam Airline không.

Theo đại biểu các công ty Việt Nam và công ty Nhà nước có vốn Nhà nước đầu tư nước ngoài thì phải hết sức là thận trọng. Đại biểu không đồng tình với việc Nghị quyết nới rộng con số này, vì nó có những rủi ro khác chứ không phải chỉ là số vốn.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng chúng ta nên có sự quản lý vấn đề này hết sức chặt chẽ, bởi lẽ đầu tư ra nước ngoài thì thắng lợi cũng đồng nghĩa với rủi ro rất lớn, cho nên tôi nghĩ 10% vốn Nhà nước tham gia vào các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 51% thì lấy con số 51% để tính tổng dự án và tính ra 10% của 32 nghìn tỷ là hợp lý.

Về tiêu chí về vốn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị không quy định việc đầu tư ra nước ngoài trong dự thảo nghị quyết này. Vì khả năng rủi ro cao trước tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp hiện nay như nhiều đại biểu đã nêu. Mặt khác là về nguồn vốn trong nước còn rất eo hẹp, chính sách pháp luật hiện đang rất cởi mở cho các doanh nghiệp đầu tư trong nước. Và thực tế là nhiều công trình, dự án trong nước cũng đang rất cần vốn để triển khai phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng thực sự là chúng ta còn đang rất khó khăn.

Đồng tình với quan điểm này đại biểu Nguyến Minh Hồng (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhất trí, là phải xem xét về mức độ rủi ro, đặc biệt là rủi ro chính trị, còn rủi ro kinh doanh thì không thể nói trước được. Đại biểu đề nghị, ở đây nếu như có đầu tư vốn của Nhà nước ra nước ngoài thì đến một mức độ nào đó, lúc đó hãy xin Quốc hội. Còn lại tôi đề nghị khi đầu tư ra nước ngoài Quốc hội chỉ nên xác định tiêu chí và để cho Chính phủ xem xét, còn nếu không sẽ làm lỡ cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong nước.

Liên quan đến các tiêu chí để xác định dự án, công trình quan trọng việc quy mô tổng vốn đầu tư đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Nghệ An) cho rằng, trong dự thảo có nêu quy mô tổng vốn đầu tư trên 35.000 tỷ đồng, đối với dự án công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên thì phải xem lại các tiêu chí này. Bởi vì nếu để như thế này sẽ có một sự bất hợp lý. Ví dụ sẽ có dự án 40.000 tỷ đồng và 30% vốn Nhà nước thì như vậy qui mô vốn Nhà nước ở đây là 40.000 tỷ đồng nhân với 30% bằng 12.000 tỷ đồng, như vậy dự án này sẽ đưa vào diện Nhà nước tức là Quốc hội phải có ý kiến quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên sẽ có dự án khác tổng vốn đầu tư là 100.000 tỷ đồng, ví dụ như vậy, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước 20% thì sẽ không đưa vào loại công trình mà Quốc hội chủ trương đầu tư. Tuy nhiên qui mô vốn Nhà nước ở đây sẽ lên 20.000 tỷ đồng, bởi vì 100.000 tỷ đồng nhân với 20% là 20.000 tỷ đồng. Vậy thì có sự bất hợp lý là dự án 12.000 tỷ đồng thì Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, nhưng dự án 20.000 tỷ đồng con số tuyệt đối cao hơn thì Quốc hội lại không quyết định. Đại biểu đề nghị không đưa các tiêu chí tỷ lệ mà đưa qui mô vốn Nhà nước trên bao nhiêu đó thì Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và qui mô đó cách tính như thế nào: tức là tổng vốn đầu tư nhân với tỷ lệ vốn Nhà nước. Trước đây chúng ta là 20.000 tỷ đồng thì bây giờ chúng ta có thể đưa lên con số qui mô vốn Nhà nước là trên 20.000 tỷ đồng, có thể 30.000 tỷ đồng.
Trong phiên thảo luận buổi sáng 14/6, đã có 24 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Theo Chương trình xây dựng Pháp luật năm 2010 Quốc hội xem xét và quyết định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 66. Tuy nhiên, qua thảo luận ở tổ, đặc biệt thảo luận tại Hội trường, các vị đại biểu Quốc hội đề cập rất toàn diện đến tất cả các mặt, ý kiến rất sâu sắc, nhiều ý kiến rất xác đáng. Cho nên Ủy ban kinh tế Quốc hội sẽ nghiên cứu về vấn đề này để khi trình được Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt đang cản trở đến quá trình đầu tư một số chương trình dự án lớn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực