Cần có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch

Thứ hai, 30/05/2022 14:36
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu Quốc hội, cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo, đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch, những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 30/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch

 Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Ảnh: TH. 

Phát biểu ý kiến tại hội trường, các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về nội dung này; cho rằng nội dung giám sát rất đúng và trúng, có tác dụng rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện. Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát cũng đã phản ánh toàn diện, đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch trong thời gian vừa qua. 

Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) chỉ ra, về chất lượng quy hoạch, trong thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao; thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn. Qua giám sát, đại biểu nhấn mạnh, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp.  

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia bởi đây sẽ là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.

Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban nhằm hạn chế mâu thuẫn và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan đề cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, trao đổi, thống nhất quan điểm trong quá trình quản lý các loại quy hoạch để giảm thiểu hạn chế, sai sót trong công tác quy hoạch.

Nhấn mạnh nội dung chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là chưa từng có tiền lệ, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ băn khoăn, tại sao mới chỉ sau 3 năm thi hành, Luật Quy hoạch lại phải chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội?.

Theo đại biểu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân có thể bắt đầu từ việc tích hợp quy hoạch mà dự thảo nghị quyết giao cho Chính phủ hướng dẫn. Đại biểu phân tích, số lượng các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn có đủ năng lực, trình độ chuyên môn làm quy hoạch thích hợp không nhiều để đáp ứng được yêu cầu, trong khi danh mục quy hoạch là rất lớn. Bên cạnh đó, trong thực tế nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm tổ chức tư vấn; việc xây dựng hệ thống dữ liệu đồ sộ như trên sẽ được thực hiện thế nào cũng như cần phải xác định rõ tiến độ hoàn thành để thực hiện các bước công việc tiếp theo…

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cần có quy định về thời hạn phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 41 của Luật Quy hoạch. Đồng thời, cân nhắc phương pháp xây dựng phần mềm thống nhất để các địa phương nhập liệu. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng cần sớm triển khai tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch để cập nhật, chia sẻ thông tin.

Khẳng định việc lựa chọn chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là quyết sách đúng đắn, hợp lý, sát thực tiễn và kịp thời nhằm tổng rà soát việc thực hiện pháp luật về công tác quy hoạch, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) nhấn mạnh quyết tâm chính trị trong toàn hệ thống, xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm, phải có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, có thời gian hoàn thành, kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, không nên phó mặc, phụ thuộc vào đơn vị tư vấn quy hoạch, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải chủ động đưa ra các định hướng lớn trong quy hoạch.

Đại biểu cho rằng, người đứng đầu, các lãnh đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải dành thời gian nghiên cứu, đưa ra định hướng, góp ý cho tư vấn, tránh quy hoạch chậm tiến độ, kém chất lượng. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TH.

Có chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch 

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận), chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng tình, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến việc triển khai các thủ tục đầu tư. Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp cho UBND hoặc là Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề trên sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu cũng cho biết, trong thực tiễn xã hội, người dân hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch treo và dự án treo. Đây cũng là nội dung gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt đối với người dân nằm trong vùng quy hoạch treo, dự án treo.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo, đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) nêu rõ, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đại biểu cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực