Cần có cơ chế để bảo đảm quyền của trẻ em được thực thi
Thứ tư, 23/03/2016 19:22 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, chiều ngày 23/3, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến về các vấn đề khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu là quy định độ tuổi trẻ em.
Băn khoăn độ tuổi trẻ em
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết: Về điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1), một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ Luật hình sự, Bộ Luật lao động, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật thanh niên và sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi giải thích: Trên thực tế, không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và chia theo các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.
Mặt khác, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”.Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định. Hiến pháp và các bộ luật liên quan của nước ta đều quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới tự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân.
Đồng quan điểm, Đại biểu (ĐB) Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi không trái với quy định của Liên Hiệp Quốc.
Đại biểu ĐB Đinh Xuân Thảo lý giải: “Xuất phát từ sự hoàn thiện tâm sinh lý thể chất trẻ em mà khoa học đã chứng minh sự phát triển hoàn hảo của một con người là từ đủ 18 tuổi trở lên. Ở một số quốc gia, khi bước sang tuổi 18 coi như đó là người tự chủ, độc lập, không chịu sự ràng buộc của bố mẹ, người giám hộ. Ở Việt Nam, tuổi thành niên cũng được quy định trong nhiều luật. Hiến pháp quy định từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Bộ luật dân sự quy định năng lực hành vi dân sự đầy đủ là từ 18 tuổi trở lên..
Về vấn đề xung đột giữa Luật trẻ em với các luật khác, ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng không có sự xung đột giữa các luật với nhau vì Bộ luật hình sự vẫn giữ mốc 18 tuổi nếu phạm tội nghiêm trọng đặc biệt nghiêm trọng có thể chịu án tử hình. Bộ luật lao động đã nghiên cứu các công ước liên quan của các tổ chức lao động (ILO). Họ cũng quy định lao động trẻ em là từ 15 tuổi trở lên. “Nay chúng ta nâng tuổi trẻ em lên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, trẻ em được quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội nhiều hơn”, ĐB Thảo nói.
Không đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra Công ước quyền trẻ em có hiệu lực tại Việt Nam vào năm 1990 đã 26 năm về trước và có 3 điểm quan trọng quy định về tuổi trẻ em. "Từ hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta sống trong tinh thần như vậy trẻ em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, từ 18 là thành niên. Vậy, vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21 chúng ta đem khái niệm trẻ em phải dưới 18 tuổi áp vào lúc này để đạt được cái gì ?”, ĐB Nghĩa đặt vấn đề.
Theo ĐB Nghĩa, nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự của các thanh thiếu niên ở lứa tuổi này là phải tính toán lại từ Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình,…Đồng thời, nếu quy định như trên thì nước ta đã đi ngược xu thế của thế giới.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Mịnh) cũng tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay trẻ em trưởng thành hơn so với trước, chúng ta không hạ thì thôi sao còn tăng độ tuổi lên? Nếu không ảnh hưởng đến ngân sách nhiều thì trẻ em cũng đâu có được gì nếu nâng lên độ tuổi là 18 tuổi?. Trước khi thông qua Quốc hội cần bỏ phiếu lấy ý kiến riêng về vấn đề này”, ĐB Phong Lan kiến nghị.
Không đồng ý nâng độ tuổi trẻ em, song ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) kiến nghị nếu Quốc hội quyết định nâng tuổi trẻ em thì cần xử lý các vướng mắc và phải bổ sung nguyên tắc xử lý xung đột pháp luật theo hướng ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư ?
Về Quyền bí mật đời sống riêng tư, Điều 21 Dự thảo Luật quy định:Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, chỗ ở theo quy định của pháp luật...
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), quy định như vậy vô hình chung gia đình, nhà trường khó dạy dỗ các em. Trẻ em không có nhà riêng, ở cùng bố mẹ mà quy định bố mẹ không được quyền can thiệp, giám sát là vô lý. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay bùng nổ thông tin sẽ không định hướng, giáo dục tốt được cho trẻ em.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm, quyền riêng tư như vậy, bố mẹ muốn quản lý thì lại phạm luật, trái với truyền thống của nhân dân ta. “Nếu cha mẹ không có quyền giám sát thì làm sao giáo dục được con?”, ĐB đặt câu hỏi.
Đánh giá cao Dự thảo Luật đã quy định 25 quyền trẻ em, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng điều này cho thấy đã tiến gần hơn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên ĐB Trần Thị Hiền tỏ ra băn khoăn vấn đề quan trọng không phải là liệt kê bao nhiều quyền mà cần có cơ chế thực thi như thế nào để bảo đảm quyền của trẻ em trên thực tế…/.
Thu Hằng