Cần có đột phá chính sách để phát huy nội lực, tăng trưởng kinh tế bền vững

Thứ ba, 27/06/2017 15:21
(ĐCSVN) – Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề "Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 27/6, tại Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam chủ trì.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn. (Ảnh: HH)


Dự diễn đàn, có hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước…

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 là một chuỗi bao gồm Hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô - Động lực phát triển”, và 02 Hội thảo chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả” và “Phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam, tầm nhìn 2035”. Chủ đề của các phiên Hội thảo đều được lựa chọn kỹ lưỡng, không chỉ kỳ vọng cung cấp một bức tranh bao quát về kinh tế vĩ mô Việt Nam, mà còn tập trung vào những vấn đề phát triển kinh tế ngành như Dược và Nông nghiệp – là 02 ngành có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam mà nếu tìm được hướng đi phù hợp sẽ là một cú hích, một động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam về cả chất và lượng. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế


Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, bước ra khỏi chiến tranh, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế kể từ Đổi mới năm 1986. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trung bình khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay, và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay. Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. Chúng ta có thể nhìn vào Nhật Bản, những năm 1960, vươn lên từ tro bụi sau Thế Chiến II, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Hayato Ikeda đã đề ra “Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 10 năm”, một mục tiêu được đánh giá là bất khả thi tại thời điểm đó. Tuy nhiên, với các giải pháp, chính sách đồng bộ, tập trung phát triển công nghiệp, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và đặc biệt là giáo dục, đã tạo ra giai đoạn “những năm 60 vàng” của nền kinh tế Nhật Bản khi mà GDP tăng gấp đôi chỉ trong 6 năm.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: HH)

Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại. Cụ thể, có quốc gia từng là nền kinh tế phát triển thứ hai châu Á chỉ sau Nhật Bản trong những năm 1950 nhưng do lựa chọn chính sách chuyển trọng tâm khỏi nông nghiệp để phát triển dịch vụ, mà bỏ qua công nghiệp hóa đã khiến kinh tế nước này lần lượt bị Thái Lan hay Malaysia vượt qua. Điều này cho thấy, có khi chỉ một sai lầm hay thiếu quyết tâm trong lựa chọn chính sách có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá bằng nhiều năm, nhiều thập kỷ và thậm chí có thể không bao giờ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu vấn đề: Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á?

Giải pháp nào để đạt mức tăng trưởng 6,7% ?

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi cởi mở, khách quan và đưa ra những đánh giá thẳng thắn, toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm; nhận diện những thuận lợi, khó khăn sẽ phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm 2017 và định hướng cho cả năm 2018. Qua đó xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như: Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, qua đó đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình; Nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; Đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp. Từ đó đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh.

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu sơ bộ 6 tháng cho thấy, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát (6 tháng bình quân tăng 4,2% so với cùng kỳ); GDP tính toán sơ bộ có khả năng 6 tháng tăng 5,5%-5,7%... Kết quả kinh tế 6 tháng cho thấy, kịch bản tăng trưởng bước đầu đã có dấu hiệu tích cực để hướng đến tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017 mà mục tiêu đã được Chính phủ kiên định đeo đuổi.

Cũng theo ông Đông, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là hợp lý dù nhiệm vụ khó khăn. Nếu chúng ta vượt qua khó khăn này thì sẽ có động lực niềm tin thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chương trình Full Bright đã phân tích và cho thấy với tất cả những diễn biến kinh tế thời gian qua, dự đoán, trong quý 2/2017, GDP chúng ta sẽ trên 6%; 6 tháng 5,5%-5,7%: tương đương gần năm 2016. Cả năm có thể 6,2%. Nếu quý 3, 4 là 7% năm 2017 có thể đạt 6,4-6,5%. 

“Mục tiêu 6,7% cả năm là khó khăn. Nếu để 6,7% các bộ ngành phải tạo sức ép tăng trưởng. Chúng ta muốn tăng trưởng 6,7% nhưng trong ngắn hạn thì không đạt được. Tôi dự đoán tăng trưởng năm 2017 sẽ ở mức 6,2%- 6,5% là hợp lý”, ông Thành nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia, nếu chúng ta không đạt tăng trưởng 6,7% thì một số chính sách vĩ mô khác sẽ bị phá vỡ ví như trần nợ công, rồi "bẫy thu nhập trung bình". Nếu năm nay không đạt mục tiêu 6,7% sẽ là năm thứ hai không đạt và sẽ phá vỡ các mục tiêu khác.

Về các giải pháp ngắn hạn đưa ra ông Sơn cảnh báo những tiềm ẩn rủi ro ví như khai thác thêm dầu, thêm than sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, nguy cơ môi trường. Còn giải pháp đầu tư công thấp không giám sát sẽ dẫn đến nợ công cao không đạt mục tiêu tăng trưởng. Về tăng trưởng trong nông nghiệp, nếu phát triển cao sẽ xảy ra rủi ro như dư thừa dưa hấu, thịt lợn... Thứ tư đó là sự điều chỉnh của các bạn hàng trên thế giới, những biến động tài chính. Cuối cùng, đó là rủi ro mang tính hành chính, và sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế.

“Những giải pháp này đi kèm với các rủi ro không đồng nghĩa chúng ta bàn lùi, nhưng quan trọng phải nhận diện ra các rủi ro để quản trị nó”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn đưa ra quan điểm nên đưa ra các kịch bản tăng trưởng, trung bình, tối ưu, thấp. Ví như năm 2017, chúng ta đưa ra kịch bản tốt nhất 6,7% nhưng không thể bằng mọi giá, vì tăng trưởng phụ thuộc vào những yếu tố mang tính dài hạn. Ví như cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh; những chỉ tiêu pháp lệnh phải đạt được bằng mọi giá, gắn với trách nhiệm người đứng đầu có liên quan. Đặc biệt, theo ông Sơn, cần củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. Hiện đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng cần hành động cụ thể, đó chính là giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp.

Có mặt tại Diễn đàn, đại diện các học giả, tổ chức nước ngoài cũng cho rằng đây là thời điểm tốt để Việt Nam xem xét lại các chính sách, tìm cơ hội vào những thị trường, bạn hàng lớn.

Bàn về cách nào để đạt tăng trưởng GDP 6,7% mà không phải khai thác thêm dầu thô, than ảnh hưởng tài nguyên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng mà có 3 mũi khai thác khác để kích thích tăng trưởng. Theo ông Lực, chỉ cần kích cầu tiêu dùng thêm 1% chúng ta sẽ có thêm 380 ngàn tỷ, gấp 4 lần khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Tiềm năng thứ hai đó là dịch vụ đặc biệt là du lịch, hiện chúng ta chưa khai thác hết. Nếu du lịch tăng trưởng 30% sẽ có thêm 7.000-8.000 tỷ. Điểm thứ ba đó là môi trường kinh doanh, chúng ta có 61.000 doanh nghiệp; nếu tạo môi trường kinh doanh tốt sẽ tạo rất nhiều việc làm./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực