Cần nâng cao trách nhiệm, năng lực của thẩm phán

Thứ bảy, 20/03/2010 10:18

(ĐCSVN) - Chiều 19/3, tại phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan tới việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm thẩm phán; thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, thực trạng công tác xét xử về tranh chấp đất đai.

Giải quyết tranh chấp đất đai gặp vướng mắc của nhiều Luật

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình cho biết, trong thời gian gần đây, các tranh chấp đất đai do Tòa án giải quyết tăng về số lượng và  phức tạp hơn về tính chất.

Chỉ tính riêng tranh chấp về quyền sử dụng đất (không tính tranh chấp về tài sản gắn liền với đất), năm 2007 Tòa án nhân dân thụ lý 19.564 vụ; năm 2008 thụ lý 19.730 vụ; năm 2009 thụ lý 20.080 vụ. Qua công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy: năm 2008 có 107 vụ, năm 2009 có 158 vụ án tranh chấp về đất đai bị hủy để giải quyết lại.

Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận, việc giải quyết tranh chấp đất đai còn gặp nhiều vướng mắc bởi chính những quy định của Luật Ðất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo và thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có mâu thuẫn.

Ông chứng minh: theo quy định của Luật đất đai thì giai đoạn Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai không được tính vào thời hiệu khởi kiện, dẫn đến nhiều trường hợp được hòa giải xong gửi đơn đến Tòa án thì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, làm thiệt hại quyền lợi chính đáng của đương sự.

Cũng theo ông Bình, pháp luật tố tụng dân sự quy định: theo yêu cầu của Tòa án, các cơ quan, tổ chức… đang lưu giữ, quản lý tài liệu chứng cứ có trách nhiệm cung cấp cho Tòa án. Nhưng trong thực tế nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức có liên quan không cung cấp hoặc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Mặt khác, có cơ quan chuyên môn trong việc định giá, giám định đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Tòa án, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Ông Bình nêu lên thực tế, thông qua việc giải quyết tranh chấp đất đai cho thấy có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, làm cơ sở để tham mưu, kiến nghị với Nhà nước về lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai cũng như cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. “Tuy nhiên, ngành Tòa án nhân dân không đủ kinh phí, nhân lực để thực hiện công việc này” – ông thừa nhận.

Ông đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi quy định của Luật đất đai năm 2003 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính về xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính cho phù hợp với Luật khiếu nại, tố cáo; sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự và  Bộ luật dân sự .

Ông cũng đề nghị Nhà nước cấp kinh phí để ngành Tòa án tổ chức công tác nghiên cứu, tổng kết, qua đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước về những vấn đề quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, đổi mới cơ chế, chính sách trên lĩnh vực đất đai...

Đề nghị giao chức năng đào tạo thẩm phán cho Toà án nhân dân Tối cao

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là số lượng và chất lượng của đội ngũ thẩm phán, liên quan tới hiệu quả và chất lượng của công tác xét xử .

Theo Chánh án Trương Hoà Bình, trong năm 2009, Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự Trung ương đã giải quyết được 4.712 vụ đạt 39,4%. Trong đó trả lời cho các đương sự không có căn cứ kháng nghị 3.894 vụ; kháng nghị 818 vụ.

Từ con số trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu vấn đề, mới giải quyết được gần 40% đơn đề nghị giám đốc thẩm nhưng trả lời cho các đương sự không có căn cứ kháng nghị lên tới hàng nghìn vụ. “Việc này có phải do trình độ của thẩm phán yếu hay cố ý từ thẩm phán?” – ông Thuận chất vấn.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị Chánh án Trương Hoà Bình cho biết giải pháp gì để giải quyết tình trạng thiếu về số lượng và còn yếu về chất lượng của đội ngũ này, nhất là trong bối cảnh chủ trương tăng thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện?

Trả lời chất vấn, ông Bình cho biết dù đã bổ sung hơn 420 thẩm phán so với năm 2007 nhưng tình trạng thiếu thẩm phán vẫn chưa được giải quyết. Một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách thu hút nhân lực.

Ông Trương Hòa Bình khẳng định phải tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm phán, nhưng để làm được việc này thì một mình ngành tòa án không làm được vì có liên quan tới nhiều khâu: đào tạo đại học, bản thân thẩm phán phải tự rèn luyện, đào tạo nâng cao...

Báo cáo của Chánh án Trương Hoà Bình nêu rõ, cơ chế đào tạo hiện nay là đào tạo thẩm phán do Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đảm nhiệm thì vẫn chưa thực sự gắn được trách nhiệm đào tạo thẩm phán với việc nâng cao chất lượng xét xử của các Toà án.

Ông kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giao chức năng đào tạo thẩm phán cho Toà án nhân dân Tối cao để ngành Toà án chủ động hơn trong công tác đào tạo nguồn và nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán.

Hiện nay, Tòa án nhân dân Tối cao đang tiến hành triển khai xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực và quy mô của Trường cán bộ Tòa án./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực