Cân nhắc kỹ quy định hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh

Thứ năm, 07/06/2018 11:24
(ĐCSVN) – Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng trong bối cảnh mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ về quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Sáng 7/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV trình bày Tờ trình dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 là cấp thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Công an nhân dân năm 2014.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014.

Về tổ chức của Công an nhân dân, dự thảo Luật không quy định Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, đồng thời, bổ sung một khoản vào Điều 18 dự thảo Luật với nội dung như sau: “Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”, để thể chế hóa quan điểm của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 22-NQ/TW.

Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Hiện nay, số đơn vị công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy là 1.065; số đơn vị công an xã, thị trấn chưa được bố trí công an chính quy còn 8.516. Như vậy, để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn.

Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân theo hướng: không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an (khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật). Bổ sung quy định cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I.

Đồng thời, sửa đổi quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như sau: “2. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng cục đặc biệt; nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng.” (khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật); bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Điều 27 dự thảo Luật).

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: UBQPAN tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân (CAND) với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

UBQPAN cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết: Hiện có 02 loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật CAND hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã được cấp có thẩm quyền chỉ đạo sát sao trong quá trình xây dựng Luật CAND năm 2014; đồng thời, để tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành Luật.

- Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định như dự thảo Luật, vì cho rằng phù hợp với yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, bảo đảm bí mật về tổ chức cũng như để linh hoạt trong thực tiễn, tránh phải sửa đổi Luật khi có sự điều chỉnh về tổ chức, bộ máy. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cần bổ sung quy định cụ thể tiêu chí Cục đặc biệt; số lượng vị trí cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng trong CAND để giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hoặc Chính phủ quy định cụ thể, tránh thực hiện thiếu thống nhất hoặc lạm dụng khi áp dụng điều luật.

“UBQPAN nhận thấy, việc quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật CAND hiện hành là phù hợp. Quá trình thi hành Luật CAND hiện hành về quy định này không có vướng mắc. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Chính phủ cân nhắc kỹ và thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nói.

Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết hiện còn có các ý kiến khác nhau, UBQPAN nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ; nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian. Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực