Châu Á tiếp tục là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới

Thứ ba, 14/09/2021 07:30
(ĐCSVN) – Đến sáng 14/9, thế giới có tổng số 225.994.026 ca nhiễm và 4.651.372 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, số ca nhiễm và tử vong mới do COVID-19 trên thế giới đã giảm bớt so với vài ngày trước đó, song vẫn ở mức cao, lần lượt là 397.791 ca nhiễm và 6.484 ca tử vong mới.
 Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 14/9, đã có 22.645.860 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.696.794 ca bệnh đang điều trị, có 18.594.280 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 102.514 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 78.551 ca nhiễm mới, Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Anh (30.825 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (24.613 ca). Trong khi đó, Nga lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 719 ca, sau đó là Mỹ (607 ca) và Ấn Độ (468 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 72.990.606 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 14/9, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 181.259 ca nhiễm mới và 3.137 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 24.613; 24.479 và 22.541 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là Ấn Độ (468 ca); Iran (448 ca) và Malaysia (413 ca).

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 96.935 ca nhiễm và 1.472 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 56.922.648 ca nhiễm mới và 1.193.398 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Anh, Nga và Đức là 3 nước có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 30.825; 18.178 và 8.262 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 719 ca, tiếp sau đó là Bulgaria (139 ca) và Đức (122 ca).

Nga đã áp đặt các hạn chế đi lại trên diện rộng khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020, trong đó nhiều hạn chế vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Nga đã dần dần mở rộng danh sách các quốc gia được phép đi lại bằng đường hàng không. Ngày 13/9, Chính phủ Nga thông báo nước này sẽ nối lại các chuyến bay chở khách với Tây Ban Nha, Iraq, Kenya và Slovakia từ ngày 21/9, cũng như sẽ tăng số lượng các sân bay được phép có các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 50.501.744 ca, trong đó có 1.029.500 ca tử vong và 39.095.894 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 78.551 ca nhiễm và 607 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Cuba với 8.342 ca, Mexico với 5.139 ca nhiễm mới; và Mexico với 224 ca, Cuba với 74 ca tử vong mới vì COVID-19.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận của truyền hình CNN và SSRS cho thấy 54% số người dân Mỹ được hỏi cho biết sẽ ủng hộ việc yêu cầu nhân viên văn phòng phải tiêm  vaccine ngừa COVID-19 trước khi trở lại làm việc, trong khi 46% có quan điểm ngược lại. Đối với việc tới trường học, 55% số người được hỏi ủng hộ yêu cầu tiêm chủng cho trẻ em tham gia các lớp học trực tiếp, trong khi 45% phản đối quan điểm này. Đối với việc tham gia các sự kiện đông người, 55% số người được hỏi ủng hộ yêu cầu về tiêm vaccine  để có thể tham dự các sự kiện thể thao hoặc buổi hòa nhạc, so với 45% không đồng ý.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 11.087 ca nhiễm và 496 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 37.263.092 ca và 1.141.472 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 6.645 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 2.297 ca và Colombia với 1.314 ca. Trong khi đó, với 238 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Argentina là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Brazil với 184 ca tử vong mới và Colombia với 40 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 14/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.126.912 ca, trong đó có 203.710 ca tử vong và 7.357.594 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.860.835 ca nhiễm và 85.002 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.640 ca nhiễm mới và 125 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 905.564 và 685.799 ca nhiễm bệnh cùng 13.618 và 24.244 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 188.303 ca nhiễm (tăng 2.032 ca) và 2.416 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 7 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.732 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 75.342 ca, trong đó 1.098 ca tử vong (tăng 7 ca).

Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Trong bối cảnh đó, thế giới vẫn liên tục đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu, phát triển và tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực