Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9

Thứ tư, 01/09/2021 11:38
(ĐCSVN) - Người dân khi làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tùy thân; bỏ xếp loại học sinh tiên tiến ở bậc THCS và THPT; thêm nhiều quyền lợi mới về bảo hiểm xã hội... là những chính sách mới có hiệu lực từ 1/9.

Người dân làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tuỳ thân 

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai, từ 1/9, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực đất đai, người dân khi đi làm các thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ không cần phải nộp bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu. Thay vào đó, thông tin của người dân sẽ được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Thông tư cũng quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất; đất do người dân nhận chuyển nhượng, thừa kế; đất do hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được giao nhưng đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất...

leftcenterrightdel
Người dân đi làm sổ đỏ không cần nộp bản sao các giấy tờ tuỳ thân. (Ảnh: TL) 

Thêm nhiều quyền lợi mới về bảo hiểm xã hội

Ngày 1/9 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐTB&XH ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội. Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia BHXH thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

Cùng đó, bổ sung thêm trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)...

Thông tư cũng thay đổi căn cứ tháng tiền lương tính hưởng mức hưởng chế độ ốm đau. Theo đó, người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Điều này khác với quy định cũ là được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó.

Chung cư hết niên hạn sử dụng phải cải tạo, xây dựng lại

Có hiệu lực từ 1/9, Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư  đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo Nghị định số 101/2015 trước đây.

Nghị định xác định rõ đối tượng nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, đó là: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ; nhà chung cư hư hỏng chưa thuộc diện phá dỡ nhưng nằm trong khu chung cư có nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo xây dựng lại và nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền phải phá dỡ.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức bồi thường đối với nhà ở, đất ở riêng lẻ hoặc trụ sở làm việc; quy định cơ chế bồi thường đối với diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước, việc xử lý đối với diện tích đất thuộc công sản nằm xen kẹt trong khu chung cư để bảo đảm sự thống nhất với pháp luật đất đai hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị định đã đưa ra chế tài chấm dứt thực hiện dự án để khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện dự án.

Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS và THPT

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc đánh giá học sinh THCS và THPT. Thông tư này chính thức bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở 2 cấp học này, chỉ còn giữ lại danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Một quy định mới khác là Thông tư này cũng không còn quy định xếp loại học lực của học sinh, dựa vào điểm trung bình các môn học như trước đây. Thay vào đó, học sinh được đánh giá bằng hình thức nhận xét và điểm số.

Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét chứ không cho điểm. Với cả đánh giá thường xuyên và định kỳ, học sinh sẽ chỉ nhận được một trong hai mức là "đạt" hoặc "chưa đạt".

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9, tuy nhiên việc đánh giá học sinh theo Thông tư này được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021 - 2022, áp dụng với học sinh lớp 6. Từ năm học 2022 - 2023, áp dụng với học sinh lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023 - 2024, áp dụng với học sinh lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024 - 2025, áp dụng với học sinh lớp 9 và lớp 12.

Quy định mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công

Từ ngày 15/9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về các quy định liên quan đến mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công có hiệu lực.

Theo Nghị định, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Mức chuẩn này là căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. 

Theo đó, các đối tượng được hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng được Nghị định quy định cụ thể như sau: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4.872.000 đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; thương binh là 1.094.000 đến 5.207.000 đồng tuỳ theo tỷ lệ tổn thương cơ thể; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng trợ cấp từ 1.234.000 đến 3.703.000 đồng tuỳ tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.

Nghị định này có hiệu lực từ 15/9 nhưng một số chế độ được áp dụng từ 1/7 và 1/1/2022./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực