Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Quảng Bình cần biến tiềm năng kinh tế rừng và biển thành động lực phát triển

Thứ tư, 13/01/2010 21:45

Trong hai ngày 12-13/1, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã cùng Đoàn công tác của Tiểu ban đến thăm, tìm hiểu tình hình thực tế tại tỉnh Quảng Bình, phục vụ công tác xây dựng văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Sáng 13/1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những thành tựu và hạn chế, đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng và phát triển Đảng trong 20 năm qua tại Quảng Bình, các thành viên Đoàn công tác và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Bình đã cùng trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát triển tại địa phương, từ đó đóng góp ý kiến, đề xuất giúp Trung ương hoàn thiện các chủ trương, chính sách ở tầm quốc gia.

                              

Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nêu rõ, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về kinh tế rừng và biển, tỉnh chủ trương đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, đồng thời với phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao cả sản lượng và chất lượng thủy sản. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản đồng thời với việc hình thành các vùng nguyên liệu như: giấy, cao su, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp nhằm tận dụng tối đa những tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định: tỉnh luôn quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, khó khăn… thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, giữa các bộ phận dân cư.

Về vai trò và sự đóng góp của từng thành phần kinh tế đối với sự phát triển chung của tỉnh, lãnh đạo tỉnh cho biết: thực tế cho thấy việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác, trang trại tổng hợp nông – lâm kết hợp chăn nuôi là phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy được các tiềm năng, thế mạnh từ biển và đất rừng tại địa phương. Hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác chủ yếu phụ thuộc vào phương thức quản lý, ngoài ra còn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 trang trại tổng hợp, nhưng để nâng cao chất lượng, hiệu quả ra mô hình kinh tế này, cần tăng cường liên kết giữa các trang trại, từ đầu vào đến đầu ra, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bởi mỗi trang trại có thế mạnh riêng. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến đầu tư ngoài hàng rào trang trại như cầu, đường, thủy lợi...; cần có hướng dẫn cụ thể về giao đất, giao rừng.

Các ý kiến cũng tập trung làm rõ về biện pháp thu hút và phân bố đầu tư để bảo đảm hiệu quả cao nhất, những lĩnh vực nào Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực nào do nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ…; đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dựa trên các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đặt ra là đổi mới cơ chế quản lý, phát huy vai trò làm chủ của công nhân lao động; có nên định hướng phát triển kinh tế tư nhân tập trung vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, hay cứ để tự phát... Các ý kiến cũng tập trung trao đổi về công tác xây dựng, phát triển Đảng, việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, giáo dục, nâng cao chất lượng đảng viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đổi mới; kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào hàng ngũ của Đảng; giải quyết mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng giáo dục, hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa trong giáo dục, phát triển giáo dục trong điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh…

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: những thành tựu to lớn mà Đảng, bộ, nhân dân Quảng Bình đã đạt được trong 20 năm qua là minh chứng sống động về đường lối đổi mới hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta, cho thấy các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai sâu rộng và rất sáng tạo trong thực tế. Nhờ chính sách đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang hình thành, các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển mạnh, số doanh nghiệp nhà nước ít đi do tổ chức săp xếp lại, nhưng làm ăn có hiệu quả cao hơn…, nhiều mô hình làm ăn mới, có hiệu quả đã xuất hiện. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đời sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt, bộ mặt nông thôn, thành thị không ngừng đổi mới. Tỉnh đã thường xuyên chăm lo xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên…

Tuy nhiên, thực tế của Quảng Bình cũng đặt ra một số vấn đề mới cần tiếp tục làm rõ nhằm xác định hướng phát triển của địa phương trong những năm tới, đồng thời góp phần hoàn thiện đường lối phát triển chung của Đảng, Nhà nước. Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, Chủ tịch QH lưu ý Quảng Bình không chỉ quan tâm vấn đề nhân sự, mà cần tập trung cho công tác xây dựng văn kiện, làm sao nhìn nhận rõ tiềm năng thế mạnh của địa phương, đã khai thác đến đâu, sắp tới phải làm gì để biến những tiềm năng sẵn có thành tiềm lực, thành động lực phát triển của tỉnh. Chủ tịch QH đã gợi mở nhiều vấn đề nhằm giúp địa phương xác định hướng phát triển đúng đắn trong tương lai. Cùng với lợi thế về rừng, biển, kinh tế cửa khẩu, truyền thống oanh liệt trong kháng chiến, tinh thần đoàn kết, yêu nước, cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng là nguồn nội lực quan trọng mà tỉnh cần phát huy. Về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp, Chủ tịch QH lưu ý tỉnh rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, lựa chọn các ngành nghề công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, chứ không chỉ cốt có công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Đi đôi với phát huy tiềm năng kinh tế biển, tỉnh cần giữ vững chủ quyền, an ninh trên biển; phát triển kinh tế phải đi đôi với chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân…

Tại Quảng Bình, Đoàn đã đến thăm và làm việc tại xã miền biển Bảo Ninh thuộc thành phố Đồng Hới, quê hương của Mẹ Suốt anh hùng, nơi có truyền thống về khai thác, chế biến hải sản với tỷ lệ ngư dân chiếm 80% dân số; thăm và làm việc tại xã miền núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, nơi có 2/3 diện tích là đồi núi, tập trung đông đồng bào dân tộc Vân Kiều, kinh tế chủ yếu là nông – lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Đoàn cũng đã tham quan thực tế, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một số mô hình kinh tế đặc thù của địa phương: công ty TNHH Hưng Biển (Đồng Hới), một mô hình chăn nuôi tổng hợp; trang trại của gia đình thương binh Lê Văn Tuy (Quảng Ninh) kết hợp chăn nuôi với trồng cây cao su; Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại (huyện Bố Trạch); thăm công trình thủy lợi Rào Đá (Quảng Ninh) ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực