Thảo luận tại hội trường, một nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận đó là về cấp chứng chỉ hành nghề dược.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Dược (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 2 loại ý kiến về thời hạn của chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược, đó là cấp CCHN có thời hạn 5 năm và cấp CCHN dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp CCHN cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp CCHN 05 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với CCHN dược.
Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp CCHN một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi CCHN dược đối với “người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp” tại khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Quốc hội xem xét và quyết định một trong hai phương án cấp CCHN, đó là: Phương án 1: cấp CCHN dược 1 lần; Phương án 2: cấp CCHN có thời hạn 5 năm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tiên phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Cho ý kiến về việc cấp chứng chỉ hành nghề dược được quy định tại điều 32 dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1 là cấp chứng chỉ 1 lần. Theo đại biểu, trong thời điểm hiện nay khi nước ta đang thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nếu quy định thời gian 5 năm cấp lại chứng chỉ hành nghề mới sẽ không phù hợp. “Quy định như vậy sẽ tạo ra các thủ tục rườm rà, bên cạnh đó sẽ xảy ra nhiều tiêu cực gây khó khăn cho những người muốn cấp lại chứng chỉ hành nghề dược” bà Anh nhấn mạnh.
Theo đại biểu Anh, trong thời điểm hiện nay, chưa nên quy định thời gian cấp lại chứng chỉ hành nghề là 5 năm mà chỉ nên quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần giống như chứng chỉ hành nghề y. Dĩ nhiên trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện ra vi phạm và những người hành nghề dược không cập nhật kiến thức chuyên môn theo quy định thì tùy theo mức độ để thu chứng chỉ hành nghề hay không.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) cũng cho rằng, hiện nay, nước ta đang trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Do đó nếu quy định 5 năm cấp lại chứng chỉ hành nghề dược 1 lần sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và phức tạp. Đại biểu đề nghị, luật chỉ cần quy định cụ thể về việc thu hồi chứng chỉ đối với những người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời gian 2 năm liên tục và sức khỏe không bảo đảm, thay vì quy định thời hạn cấp lại chứng chỉ là 5 năm.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với phương án 5 năm cấp lại chứng chỉ hành nghề dược. Đại biểu lý giải, học đại học 5 năm mới nhận được chứng nhận dược sỹ, 6 năm mới nhận được danh hiệu bác sỹ, sau đó phải có thời gian thực hành nghề 18 tháng đến 2 năm trở lên mới nhận được chứng chỉ hành nghề. Như vậy trải qua giai đoạn từ 7- 8 năm để tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm, nên việc quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm là không phù hợp.
Đại biểu Phương cho rằng, “nên nghiên cứu việc thi chứng chỉ hành nghề hay cấp chứng chỉ hành nghề. Bởi hiện nay, tình trạng các trường đại học đa ngành cũng như các trường đại học ngoài công lập đua nhau đào tạo y, dược trong khi Bộ Y tế không thể kiểm soát được hết chất lượng trong quá trình đào tạo, cũng như chất lượng đầu ra. Do đó, đề nghị cần tổ chức thi hành nghề không chỉ riêng cho ngành dược mà rất cần thiết cho ngành y”. Dù tốt nghiệp ở bất cứ trường đại học nào nếu đạt được điểm cao thì sẽ được hành nghề ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương, nếu đạt điểm thấp hơn chỉ được hành nghề ở tuyến huyện và nếu có nhu cầu thì người hành nghề sẽ tiếp tục thi cấp chứng chỉ hành nghề để lên tuyến cao hơn – đại biểu nêu ý kiến.
Không đồng tình với những quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lại cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm 1 lần là phù hợp với xu thế thế giới. Đại biểu đề nghị, nên giao cho Chính phủ cho phép cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm 1 lần với những ai có nhu cầu ra làm việc quốc tế. Theo đại biểu Tiên, điều này rất quan trọng đối với hòa nhập quốc tế.
“Hiện chúng ta hòa nhập ASEAN, nhưng khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiểm tra lại thì chưa nước nào công nhận chứng chỉ của nước ta. Bởi tất cả các nước phải thi để được cấp chứng chỉ, còn riêng nước ta tự cấp chứng chỉ”- đại biểu Tiên nói. Theo đó, đại biểu đề nghị, giao cho Chính phủ tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu của quốc tế để tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu đi làm việc tại các nước ASEAN và quốc tế thì tham gia.
Đại biểu Tiên cũng đề xuất, nếu có điều kiện nên quy định lộ trình 5 năm, 10 năm cấp chứng chỉ. Đồng thời, đưa ra một nguyên tắc cơ bản cho người cấp đó là tất cả phải theo mạng. Không trực tiếp giao dịch sẽ triệt tiêu được việc giao tiếp trực tiếp, hạn chế thủ tục hành chính, điều này phù hợp với thế giới.
Liên quan đến quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu thực tế, hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới đã gióng lên hồi chương cảnh báo về tình trạng lạm dụng thực phẩm chức năng. Ở Việt Nam, thực phẩm chức năng được quảng cáo liên tục, thường xuyên vì ít bị quản lý chặt chẽ về các quy định của pháp luật. Hơn nữa, thực phẩm chức năng được bày bán khá phổ biến tại nhà thuốc nên dễ nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc. Vì vậy, đề nghị thời gian tới, cần bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hơn mặt hàng này trong Luật an toàn thực phẩm nhằm khắc phục những tiêu cực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây đang là khoảng trống pháp lý lớn. Trong khi thực tế, thị trường thực phẩm chức năng có không ít sản phẩm kém chất lượng, giả mạo, gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng. Do đó, trong khi chờ đợi xây dựng luật riêng, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần thiết phải có chương riêng về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm hoặc có các điều khoản cấm về vi phạm trong lĩnh vực này.
Ngoài những nội dung trên, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến cụ thể vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Dược lâm sàng; về kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc; chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược...
Theo chương trình, chiều nay, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)./.