Cung cấp đủ nguồn hàng phục vụ Tết, không để dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán 2010

Thứ ba, 02/02/2010 08:43

(ĐCSVN) - Chiều 1/2, ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2010, Văn phòng Chính phủ đã có buổi họp báo thông báo những nội dung của phiên họp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp này Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình tình kinh tế, xã hội tháng 1/2010; đánh giá về công tác chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm, điện nước phục vụ Tết và các biện pháp bình ổn giá, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần; Cho ý kiến về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 1/2010; công tác cải cách hành chính; tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 12/2009, Chương trình công tác chính phủ tháng 1/2010; Tình hình chuẩn bị và ban hành các văn bản quy định chi tiết các dự án luật, pháp lệnh; Báo cáo về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh …

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2010, tình hình kinh tế, xã hội đã đạt được những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 ước tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2009. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Về sản xuất nông nghiệp, cả nước đã gieo cấy được gần 1.900 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với khu vực dịch vụ, du lịch, chuẩn bị bước vào dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại trên thị trường khá nhộn nhịp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2010 ước tăng 23,1% so với tháng 1/2009. Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, ước đạt 416 nghìn lượt, tăng 10,6% so với tháng 12/2009 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những thành tích đạt được, trong tháng 1, nền kinh tế nước ta nổi lên những tồn tại đáng lưu ý, đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, sản xuất các mặt hàng có khả năng thay thế nhập khẩu. Tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân, khắc phục dịch bệnh cây trồng và gia súc. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản như lúa gạo, thuỷ sản và một số nông sản khác. Triển khai xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh theo Chương trình công tác của Chính phủ năm 2010. Điều hành thận trọng, linh hoạt thị trường tiền tệ và ngoại hối, lãi suất và tỷ giá. Quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, đẩy giá thị trường lên cao, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho việc cung cấp nguồn hàng phục vụ Tết, bảo đảm giá cả hợp và chất lượng, đặc biệt bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, công tác thanh tra, kiểm tra, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chống đầu cơ, đẩy giá cả thị trường lên cao, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết; bảo đảm cung ứng đủ hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, từng địa phương phải có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, không để cho hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán. Nghiêm cấm tình trạng quà cáp, biếu xén cấp trên trong dịp Tết... Sau dịp nghỉ Tết, các địa phương cần tổ chức lễ ra tạo khí thế mới trong lao động sản xuất và thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhập khẩu đường và muối, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Qua đánh giá tình hình cung cầu và giá cả mặt hàng đường trong nước cho thấy sự thiếu hụt sản lượng đường do ảnh hưởng thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 8 và 9 nên năng xuất mía cho đường không cao. Do đó, Bộ Công Thương trình Chính phủ cho nhập khẩu 150 nghìn tấn đường nhằm phục vụ ngành sản xuất, chế biến bánh kẹo, nước giải khát … Tuy nhiên, hiện nay giá đường trong nước vẫn không có dấu hiệu giảm do chịu ảnh hưởng của giá đường thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành kiểm tra giá đường niêm yết tại các siêu thị, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá đường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng không bị xâm phạm. Với mặt hàng muối, Bộ Công Thương chỉ cho nhập khẩu muối công nghiệp do muối của Việt Nam sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu này. Hiện tại, không có có việc nhập khẩu muối ăn phục vụ trong tiêu dùng của nhân dân, thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định.

Liên quan đến hoạt động thu đổi ngoại tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp có hiệu quả với hệ thống ngân hàng thương mại, các Tổng Công ty, các tập đoàn; kết hợp với tuyên truyền, kiểm tra giám sát hoạt động thu đổi ngoại tệ nhằm giúp người dân được tiếp cận với nguồn ngoại tệ ổn định, thông suốt, đảm bảo cung cầu thị trường, hạn chế hoạt động đô la hóa và việc tồn tại hai tỷ giá trên thị trường ngoại tệ tự do.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực