Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã có nhiều bước cải tiến, đổi mới
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá, nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII đã có nhiều bước cải tiến, đổi mới nhất định. Vấn đề giám sát, chất vấn đã có những cải tiến nổi bật. Theo đó, việc chất vấn đã được truyền hình trực tiếp giúp dân kịp thời theo dõi, giám sát việc trả lời chất vấn. Trước đây, chỉ trả lời chất vấn là xong, còn bây giờ, sau mỗi phiên chất vấn đều có Nghị quyết Quốc hội ghi lại, kỳ sau kiểm tra, giám sát, tăng hiệu quả thực hiện.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). (Ảnh: TH).
Đối với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, 5 năm qua, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt với sự lãnh đạo rất quyết liệt của Chính phủ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đây là những vấn đề hết sức cơ bản giúp kinh tế ổn định phát triển, hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.
Các giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ đưa ra khá đầy đủ, toàn diện. Trong thời kỳ này ,chúng ta hội nhập có thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn. Thuận lợi là tiếp cận thị trường thế giới, nhiều vấn đề về quản lý điều hành của các nước, nhưng chúng ta sẽ gặp khó khăn, thách thức rất lớn nếu không đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt mang tính đột phá hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng; có chính sách phát triển nông nghiệp vì đây là thế mạnh, phải đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp đạt chuẩn để có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Với nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, kết quả có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Chủ tịch nước kiến nghị sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, đáp ứng tăng cường nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo hợp lý số lượng cấp tướng.
Điểm sáng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ là kiềm chế lạm phát tương đối tốt
Theo ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), điểm sáng trong báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ là kiềm chế lạm phát tương đối tốt, chỉ số CPI 2015 giảm xuống 0,6% so với 18,13% của năm 2011. Điều này không chỉ có ý nghĩa ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước mà điều kiện quan trọng hơn là đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động trong nền kinh tế.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu). (Ảnh: TH).
Bên cạnh đó, các chỉ số phát triển khác của chúng ta cũng tương đối khá. Đáng chú ý, 5 năm qua, xuất khẩu bình quân đạt 17,5%, kiểm soát nhập khẩu tốt hơn. Chính vì vậy, cán cân ngoại thương tương đối khá, nhập siêu cả 5 năm khoảng 10 tỷ đô tương đương mức nhập siêu của năm 2011. Nhờ vậy, cán cân tập thể của nền kinh tế của ta thặng dư lớn, tiềm lực tài chính, dự trữ ngoại hối cũng tăng lên, hiệu quả của nền kinh tế có sự thay đổi, tiến bộ nhất định, hệ số Icor (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) cũng giảm dần, giảm nghèo đạt tương đối tốt. Những điều này cho thấy tiến bộ tương đối toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đạt được điều đó, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, phải kể đến sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; các bộ, ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, sức ép cạnh tranh cũng ngày càng mạnh mẽ hơn, ĐB Bùi Đức Thụ cho rằng, những giải pháp Chính phủ đề ra tương đối toàn diện, vấn đề đặt ra là cần xác định những điểm trọng yếu để tập trung chỉ đạo điều hành, đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo ĐB Bùi Đức Thụ, vấn đề quan trọng nhất là tập trung vào duy trì các cân đối của nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, coi đó là điều kiện tiền đề cho phát triển. ĐB Bùi Đức Thụ cho rằng, để đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tới phải duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô, giữ vững cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có vấn đề kiểm soát lạm phát, cải thiện cán cân ngân sách theo hướng giảm nợ công, giảm bội chi theo hướng đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, coi đó là điều kiện tiên quyết, nhiệm vụ cấp bách để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.
Báo cáo của Chủ tịch nước đã nêu lên được những đề xuất cho giai đoạn tới
ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá, các Báo cáo nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được chuẩn bị khá công phu, chi tiết thể hiện sự tín nhiệm, trách nhiệm đối với nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Các báo cáo đã trình bày rõ những thành công; chỉ ra tồn tại, hạn chế, nêu được nguyên nhân của tồn tại. Đặc biệt, trong báo cáo của Chủ tịch nước đã nêu lên được những đề xuất cho giai đoạn tới. “Tôi nghĩ rằng, các báo cáo này rất đáng trân trọng để các ĐBQH đọc và nhìn nhận một cách nghiêm túc…” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá báo cáo của Thủ tướng Chính phủ hết sức thẳng thắn chỉ ra 8 kết quả thành công trong nhiệm kỳ và đồng thời nêu ra 8 tồn tại, chỉ ra 3 nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, tôi đánh giá cao kết quả đạt được của Chính phủ trong nhiệm kỳ về thực thi Hiến pháp, luật pháp, các Nghị quyết của Quốc hội. Ngay từ đầu, Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong 5 năm qua, Chính phủ đã triển khai và thực thi tốt điều này.
Cụ thể , về ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát; các vấn đề về cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; kéo tỷ lệ nhập siêu trên 10% về mức 2% trong giá trị kim ngạch xuất khẩu; đặc biệt có 3 năm xuất siêu như năm 2012-2014. Hơn nữa, chúng ta bảo đảm an sinh xã hội ; tỷ lệ hộ nghèo từ mức 14,2% kéo về 4,5%, trong đó kinh tế vẫn tăng trưởng khá, cụ thể bình quân tăng trưởng là 5,9%; riêng năm 2015 là tăng 6,68%. Đây là mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây từ năm 2008 từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: TH).
Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ ấn tượng nhất là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát. Trong 5 năm qua chúng ta đã đạt được mục tiêu này. Từ đó, giúp nền kinh tế chúng ta tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.
Đồng thời, báo cáo của Chính phủ cũng hết sức thẳng thắn chỉ ra được 8 tồn tại, trong đó, vấn đề nợ công ở mức cao, bội chi ngân sách ở mức lớn; đặc biệt nợ Chính phủ đã kịch trần... Bên cạnh đó, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra tồn tại trong bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chưa hiệu quả. Báo cáo cũng nêu lên tồn tại trong vệ sinh an toàn thực phẩm; trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; hoặc tình hình doanh nghiệp trong nước còn khó khăn…
Về báo cáo của Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, Quốc hội khóa XIII đã làm tròn trách nhiệm, là cơ quan lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đó đặt ra cho Chính phủ phải thực thi các Nghị quyết của Quốc hội và nhìn rõ hơn tồn tại, để đưa giải pháp giải quyết những tồn tại đó và Quốc hội tiếp tục giám sát tối cao hoạt động của Chính phủ. Quốc hội đã thể hiện vai trò là đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân./.