Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có thông điệp mạnh mẽ hơn, ưu tiên phòng, chống dịch

Thứ năm, 22/07/2021 18:09
(ĐCSVN) - Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ nghiên cứu thông điệp mạnh mẽ hơn, ưu tiên cho phòng, chống dịch rồi mới phát triển kinh tế. Bởi nếu chống dịch tốt xã hội mới ổn định, người dân mới an tâm và hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế.

Chiều 22/7, Quốc hội thảo luận tại tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025.

"Dự báo không dễ làm nhưng vẫn phải làm"

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 22/7 (Ảnh: KT) 

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2021 và cho rằng, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng. 

Bày tỏ đặc biệt ấn tượng với nhiều con số, đại biểu phân tích: “Tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%, tỷ lệ này là khá cao so với các nước trong khu vực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,2% chứng tỏ quy mô nền kinh tế không bị thu hẹp lại mà còn phát triển; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,2 tỷ, tăng 6,8% so với cùng kỳ cho thấy trong tình hình khó khăn nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng để các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia khác về Việt Nam…”

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ngoài những giải pháp Chính phủ nêu, đại biểu đề xuất Chính phủ quan tâm, tập trung thêm hai giải pháp lớn. 

Trước hết, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành Trung ương dự báo ở mức độ tương đối chính xác, sát với tình hình thực tế 6 tháng cuối năm và phải phù hợp với tình hình diễn biến dịch. “Dự báo này không dễ làm nhưng vẫn phải làm” - đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, muốn dự báo chính xác thì phải dựa trên báo cáo của Chính phủ tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Trong đó, cần lưu ý con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng là 70.209 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó, có hơn 50% doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh. Con số này là quá lớn, trong khi trong 6 tháng đầu năm chỉ thành lập được hơn 67.100 doanh nghiệp.

Đại biểu cũng chỉ ra “điều bất thường của một nền kinh tế” khi 6 tháng đầu năm sức cầu trong nước yếu, giảm, nhưng chỉ số CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt là 2,9% và 2,41%. Do đó, đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm, dù báo cáo đã nêu bình quân tăng trưởng 6 tháng CPI là 1,47%.

Nguồn: VTV 

Yếu tố khác được đại biểu lưu ý để dự báo toàn diện là giá đầu vào của một số nguyên liệu tăng như: giá xăng dầu, giá nguyên liệu thép, giá vật tư nông nghiệp... Những yếu tố đầu vào sẽ tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đến đời sống của nhân dân 6 tháng cuối năm, vì vậy cần phải được làm rõ hơn trong các báo cáo chuyên đề của Chính phủ

Trong quá trình dự báo, đại biểu cũng đề nghị các ngành tham mưu chính phủ quan tâm nhận định tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tăng lên; tình hình tội phạm và trật tự xã hội; tình hình thu ngân sách không như kế hoạch… để có giải pháp ứng phó cho tốt. 

Với những phân tích trên, đại biểu đề nghị xây dựng kịch bản điều hành kinh tế xã hội từ nay đến thời điểm đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 70% dân số để tiến tới miễn dịch cộng đồng. “Nếu chúng ta không có kịch bản rõ ràng, không có dự báo chính xác chúng ta sẽ rơi vào tình huống như Thái Lan hiện nay” - đại biểu lo ngại.

Nội dung thứ hai mà vị đại biểu đoàn Trà Vinh đề xuất là Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến phòng, chống COVID-19 trong điều kiện không bình thường trước đại dịch COVID-19 hiện nay.“Phải có cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian này, không thể nào lấy cơ chế, chính sách bình thường để áp dụng trong điều kiện không bình thường hiện nay. Ví dụ, mua sinh phẩm phải tham gia đấu thầu, mua thiết bị y tế phải đấu thầu… nếu thực hiện như thế thì không biết bao lâu mới mua được, do đó cần có cơ chế đặc thù” – đại biểu phát biểu. 

Cụ thể, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu để ban hành cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến phòng, chống COVID-19 trong điều kiện kinh tế xã hội không bình thường hiện nay. 

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xác định lại mục tiêu cần đạt được, có thứ tự ưu tiên là phòng, chống dịch, rồi mới đến sản xuất kinh doanh. Đồng thời cho rằng không nên giữ thông điệp như cũ là phải thực hiện “mục tiêu kép” mà có thể thay đổi thông điệp. “Chính phủ nghiên cứu có thông điệp mạnh mẽ hơn, ưu tiên cho chống dịch rồi mới phát triển kinh tế. Bởi nếu chúng ta chống dịch tốt xã hội mới ổn định, người dân mới an tâm và hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế” – đại biểu đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị trong việc ban hành chính sách thì cần có những chính sách mạnh hơn trong ứng dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực đời sống của người dân.

 Đề nghị Chính phủ thêm nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh

 Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận (Ảnh: KT)

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, 6 tháng đầu năm 2021 là những tháng đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Dù vậy, với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã đạt được kết quả khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội đều đạt so với kế hoạch, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định, các cấp, các ngành tập trung chăm lo không để dân thiếu ăn, thiếu mặc. Tình hình an ninh, chính trị cơ bản ổn định, giữ vững. 

Nhất trí với phương hướng 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đã báo cáo, tuy nhiên, với tình hình dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, đại biểu cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. “Tình trạng khẩn cấp có 3 tình trạng đó là tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh. Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh; bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu” – đại biểu phát biểu. 

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần cương quyết hơn, quyết liệt hơn trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch để ổn định tình hình, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện sớm, nhanh Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19, để giải quyết đời sống, khó khăn cho người dân yếu thế. Chú trọng nghiên cứu, sản xuất vaccine, chú trọng phân bổ vaccine công khai, minh bạch, đặc biệt ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu kép. Tiếp tục kêu gọi người dân đồng thuận, đồng lòng cùng với Chính phủ tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả. 

Cũng quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (Đoàn An Giang) đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể hơn, sát sao hơn với tình hình, phương châm mà chúng ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”. 

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu chủ động xây dựng phương án về cơ cấu tổ chức bộ máy, chỉ huy thống nhất, lực lượng nòng cốt thay thế Ban chỉ đạo các cấp hiện nay nếu không còn đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. 

Theo đại biểu, Chính phủ cũng cần triển khai mô hình chuỗi cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu của nhân dân; đảm bảo an ninh lương thực thông qua dự trữ quốc gia cũng như duy trì chuỗi cung ứng lương thực.

Quan tâm đến vắc xin, nhấn mạnh trước mắt và lâu dài xác định đây là vũ khí phòng, chống dịch hiệu quả khi hiện chưa có thuốc điều trị, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt, tập trung trong chủ động nguồn cung thông qua sản xuất vắc xin trong nước…/.

 

 

 

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực