Đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Chủ tịch nước mạnh mẽ bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia

Thứ bảy, 02/04/2016 15:49
(ĐCSVN) - Sáng 2/4, với đa số phiếu đại biệu tán thành, Quốc hội đã chính thức bầu ông Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước. Bên lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đặt kỳ vọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thống lĩnh lực lượng vũ trang, bảo vệ chủ quyền quốc gia, không phụ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh). Ảnh: X.Hải

Chia sẻ trước sự kiện này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bày tỏ mong muốn, tân Chủ tịch nước phải thể hiện được tính thống lĩnh trong lực lượng vũ trang, là quản lý cao nhất Nhà nước về cả đối nội, đối ngoại.

"Mong Chủ tịch nước sẽ thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đặc biệt phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới và giải quyết các vấn đề biển đảo trên cơ sở luật pháp chứ không phải đối đầu", đại biểu Nguyễn Thị Khá gửi gắm

Còn đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì cho rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự, từ khâu chọn lựa con người cụ thể, đến việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Chủ tịch nước tiền nhiệm giới thiệu người kế nhiệm, việc ông Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước là rất xứng đáng. Ông Trần Đại Quang được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, đã trải qua nhiều cương vị công tác, thể hiện được năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng. Ông Trần Đại Quang có học hàm Giáo sư, Tiến sỹ Luật và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo của lực lượng Công an.

Nhấn mạnh quá trình công tác và tham gia nhiều khóa trong Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Trương Minh Hoàng tin tưởng với trọng trách mới, ông Trần Đại Quang sẽ đúc rút được những kinh nghiệm từ hoạt động của các vị Chủ tịch nước trước đây để làm tốt vai trò Chủ tịch nước và thực hiện trách nhiệm của mình mà Hiến pháp đã quy định.

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương). Ảnh: TN

Cùng tâm trạng trên, gửi gắm tin tưởng vào Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) nhấn mạnh, ai cũng mong người đứng đầu Nhà nước là những người chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân. Đại biểu Rinh cho rằng, Hiến pháp quy định, lực lượng vũ trang bao gồm: quân đội, công an, biên phòng. Chủ tịch nước có vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Do đó, ông Rinh mong Chủ tịch nước sẽ làm tròn trách nhiệm của mình.

“Một trong những nhiệm vụ được coi là nặng nề trong nhiệm kỳ tới là vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất thân từ lực lượng vũ trang, bây giờ trở thành thống lĩnh lực lượng vũ trang, nên được nhiều ĐBQH tin tưởng, kỳ vọng” – đại biểu Rinh chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chia sẻ, trong lời tuyên thệ và phát biểu nhận chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu bật nhiều nội dung quan trọng mà đại biểu và nhân dân kỳ vọng. Đó là khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước trong bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước. Đại biểu tin tưởng với bản lĩnh của người tướng lĩnh đứng đầu ngành Công an, lời hứa của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ được triển khai hiệu quả, công tác xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội). Ảnh: Đỗ Thoa

Đánh giá lĩnh vực an ninh trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đại Quang đã được thực hiện tốt, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin cho nhân dân, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kỳ vọng trên cương vị mới, ông Trần Đại Quang sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện các mặt công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội, nhân dân giao phó.

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nếu có luật về Chủ tịch nước thì vai trò, quyền hạn của Chủ tịch nước sẽ được thể hiện, phát huy rõ ràng hơn, cụ thể hơn trên thực tế. Vì vậy, nhiệm kỳ tới của Quốc hội nên xem xét, ban hành luật về Chủ tịch nước, trong đó quy định chi tiết rõ về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo quan trọng này.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Chủ tịch nước là chức danh đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại, là nguyên thủ quốc gia. Ở Việt Nam đây là thiết chế mang cả quyền lực về lập pháp, hành pháp, tư pháp, được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp 2013 đã có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước so với Hiến pháp 1992. Từ đó trong thời gian tới, vai trò của Chủ tịch nước sẽ được tăng cường hơn./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực