(ĐCSVN) – Thảo luận về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về tình trạng biến đổi khí hậu, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.. Trước thực trạng trên, các đại biểu cho rằng cần phải có giải pháp cấp bách, trọng tâm hơn để khắc phục vấn nạn trên.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ). (Ảnh: BL)
Băn khoăn lo lắn về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh, quá gần, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho biết, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn lãnh thổ nước ta như lũ lụt ở miền Trung, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc, triều cường dân cao ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Đặc biệt, hiện nay tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, nhiễm mặn đang diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo dự báo của các nhà khoa học trên thế giới và tổ chức chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo, trong thời gian tới biến đổi khí hậu sẽ tác động gây hậu quả nghiêm trọng đến Việt Nam. Nhiệt độ toàn quốc tăng cao, hạn hán kéo dài và bất thường. Nguồn nước ở các dòng sông lớn có xu hướng giảm mạnh.
Nhằm hạn chế và thích ứng biến đổi khí hậu đại biểu Yến đề nghị: Chính phủ cần bổ sung và tích hợp nội dung kế hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các giai đoạn tới. Xây dựng năng lực thích ứng ở mọi cấp chính quyền, bao gồm năng lực đánh giá, xắp xếp ưu tiên, điều phối, quản trị thông tin và giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu. Đồng thời, dành nguồn ngân sách quốc gia thỏa đáng cho việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo tính khả thi và cần phải có sự điều phối rất chặt chẽ, tích cực và thường xuyên giữa các bộ, ngành. Tăng cường sự hợp tác với các cơ quan quốc tế và các tổ chức quốc tế để có thể ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu.
“Quan tâm quản lý nguồn tài nguyên nước vì nước có một ý nghĩa rất quan trọng về mặt xã hội, cũng như về mặt kinh tế theo hướng xây dựng cơ chế đặc biệt, đảm bảo sự phối hợp giữa các bộ và các tỉnh trong trách nhiệm cung cấp nước điều tiết thủy điện, thủy lợi phòng, chống lụt bão. Ngay trong thời gian trước mắt cần đẩy mạnh các giải pháp chống ngập mặn, xâm lấn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các hồ chứa nước ở Tây Nguyên, Tây Bắc để tích nước về mùa mưa và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô”, đại biểu đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và có sự chuyển biến tích cực trong việc đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trông cây công nghiệp. Điển hình như mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả cao đã được một số chủ vườn cafe áp dụng trong thời gian vừa qua. Chú trọng đầu tư chuyển đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất cho phù hợp và thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẵn có của đất nước, tăng cường trách nhiệm, quy trách nhiệm trong quản lý tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của điều kiện tự nhiên, nhất là tác động hạn, xâm nhập mặn đang có nguy cơ làm nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm và có ảnh hưởng đến nông nghiệp tại các vùng khác như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Điều này cho thấy, dự báo hệ thống ngắn hạn về khí hậu, thời tiết của ta chưa đáp ứng kịp thời và các phối hợp liên ngành trong lĩnh vực thông tin, ứng phó còn kém. Vấn đề biến đổi khí hậu đã thực sự tác động đến tài nguyên nông nghiệp và tài nguyên sinh học và phát triển kinh tế - xã hội chung. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào các dự báo dài hạn đến năm 2030 , đến năm 2050. Trong khi sản xuất nông nghiệp và người nông dân rất cần những dự báo và tác động ngắn hạn để ứng phó. Rõ ràng, lĩnh vực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu này. Do đó, cần nghiên cứu về biến đổi khí hậu một cách hệ thống hơn và thực tiễn hơn, đặc biệt phải có những dự báo ngắn hạn.
“Trước mắt tôi đề nghị đặc biệt quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cần xem xét lại quy hoạch hệ thống canh tác, các kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cấp nước, hệ thống dân cư hiện nay. Kể cả vấn đề quy hoạch dân cư lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới và vấn đề chuyển dịch lao động dân cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhằm có những định hướng và chính sách phù hợp với các biến động này”, đại biểu cho biết.
Cũng theo đại biểu Đỉnh, vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan mật thiết đến quá trình sử dụng tài nguyên nước của sông Mê Kông, trong đó điều tiết của các nước khu vực thượng lưư đều có tác động sâu sắc đến hạ lưu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho đến nay các giải pháp phối hợp liên quốc gia, thậm chí thông tin cũng rất rời rạc.
Bởi vậy, Chính phủ cần kiên trì và kiên quyết thương thảo đấu tranh với các nước dùng chung tài nguyên sông Mê Kông thông qua nhiều hình thức nhằm đạt được các quy tắc sử dụng nước lưu vực liên quốc gia, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa là cơ sở vững chắc cho việc dự báo và đề xuất các ứng phó và điều chỉnh các quy hoạch cần thiết.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết: ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong thời gian qua, mặc dù đã được các cấp các ngành tăng cường. Tuy nhiên, tình hình còn diễn biến phức tạp như hạn hán, xâm nhập mặn, xảy ra nghiêm trọng với phạm vi rộng đang hiện hữu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Dự báo còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn.
“Giải pháp đề ra trong thời gian tới trong báo cáo của Chính phủ theo tôi là đồng bộ, chủ động và tích cực. Tuy nhiên, tôi đề nghị các giải pháp cần cụ thể hơn. Bên cạnh những giải pháp lâu dài, cần có các giải pháp cấp bách trọng tâm. Cần ưu tiên đầu tư các dự án khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, các công trình quan trọng, công trình đang thi công dở dang”, đại biểu chia sẻ.