Bên lề Kỳ họp thứ 11,Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng Tân Thủ tướng sẽ có các giải pháp quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “giặc nội xâm”…
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh): vai trò của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng vì điều hành cả một nền hành pháp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ phải là người năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao trong từng lĩnh vực và điều hành sát sao, để làm cho các bộ, ngành, địa phương "nói phải đi đôi với làm", làm phải có báo cáo, kiểm soát; nói mà để đấy phải kiểm điểm, làm không hiệu quả phải kiểm điểm, sai phạm đến đâu xử lý đến đó.
Trong bối cảnh như hiện nay, đại biểu Đỗ Văn Đương mong tân Thủ tướng sẽ có nhiều quyết sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả để nợ công giảm, bội chi giảm. Đặc biệt, mong muốn bộ máy Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng sẽ nhanh nhạy, có giải pháp kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm và bức xúc hiện nay như: Hạn hán, xâm nhập mặn, vệ sinh an toàn thực phẩm, cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng những giải pháp thiết thực cả về pháp lý, chính trị và trên thực địa.
ĐB Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Quang
Trước vấn nạn tham nhũng hiện nay, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, Chính phủ mới phải thực sự gương mẫu trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, đồng thời cần thực sự quyết liệt chống tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan, công bằng trong xem xét, xử lý tham nhũng.
Dẫn lời nhiều ĐBQH và người dân đánh giá, tham nhũng đang được ví như giặc “nội xâm”, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, nguy hiểm hơn nữa là làm mất niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đại biểu Nguyễn Thái Học bày tỏ tin tưởng tân Thủ tướng Chính phủ sẽ nhận thức rõ được tình hình tham nhũng khi nhận nhiệm vụ. Với yêu cầu đòi hỏi đặt ra, chống tham nhũng như chống giặc “nội xâm”, tân Thủ tướng sẽ có hành động quyết liệt, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên). (Ảnh: TH).
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thái Học, đây là vấn đề khó khăn bởi một mình Thủ tướng không thể làm được, mà đòi hỏi một sự đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. "Phải làm sao với vai trò trách nhiệm của mình, tân Thủ tướng phải đưa hệ thống chính trị vào cuộc và phải tạo ra sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương" - ĐB nhấn mạnh.
Trước ý kiến nhiều ĐBQH mong muốn Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ chống tham nhũng, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, tuyên thệ không nên chung chung, song người tuyên thệ là người thực hiện ý chí, còn thành quả không phụ thuộc vào một ai cả. Trong công cuộc chống tham nhũng, Quốc hội cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề giám sát, trong vấn đề xây dựng hệ thống luật pháp... Chính phủ là cơ quan hành pháp, là nơi dễ xảy ra tham nhũng. Đương nhiên câu chuyện chống tham nhũng là ý chí chung, song quan trọng vẫn là hành động.
Theo ĐB Dương Trung Quốc, tân Thủ tướng là người hoạt động trong cơ quan hành pháp khá lâu. Nhiệm kỳ vừa rồi, ông là người trợ thủ cho nguyên Thủ tướng Chính phủ, người thực hiện thực thi công việc, thực tiễn chỉ đạo nhiều công việc. Song, trên cương vị Thủ tướng là vai trò rất lớn đòi hỏi yêu cầu cao nên cần nỗ lực nhiều hơn.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai). (Ảnh: TH).
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kỳ vọng và mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần chuyển sang nền hành chính phục vụ, đồng thời kiên quyết xử lý các vụ tham nhũng, từ đó bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bộ máy đỡ cồng kềnh, đảm bảo thu nhập ổn định, giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác, tránh nảy sinh tham nhũng, phiền nhiễu làm mất lòng tin của nhân dân.
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chúng ta có cơ hội nhiều nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Điều này cũng tạo ra áp lực lớn đặt trên vai các đồng chí lãnh đạo sắp tới, đặc biệt là đồng chí Thủ tướng. Tuy nhiên, ĐB Lê Nam bày tỏ tin tưởng, với đội ngũ lãnh đạo mới, dù gánh nặng nặng nề, nhưng với tư duy mới, sự lựa chọn táo bạo, biết lựa chọn để tháo gỡ những khó khăn hiện nay thì tình hình đất nước sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, với tân Thủ tướng, ĐBQH mong muốn Thủ tướng chọn những việc đột phá trong rất nhiều công việc nặng nề, để tạo sự chuyển biến, xoay chuyển, thúc đẩy có hiệu quả ngay tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong đó, cần có giải pháp đột phá để doanh nghiệp Việt Nam và nông dân tự tin hoạt động, phát triển trên lãnh thổ, đất nước mình./.