Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình). Ảnh chụp qua màn hình: KT
Là một nhiệm kỳ Quốc hội nhiều dấu ấn, các đại biểu (ĐB) đánh giá: Hoạt động giám sát, hoạt động giám sát tối cao và chất vấn trong nhiệm kỳ đã được Quốc hội tiếp tục đổi mới, chú trọng nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, hoạt động giám sát vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) trăn trở, có những đoàn giám sát còn hình thức, tức là xuống địa phương chỉ nghe báo cáo phát biểu trao đi đổi lại một buổi là xong mà chưa chú trọng kết hợp với giám sát việc cụ thể. Do đó, hiệu quả từ kết quả giám sát còn hạn chế.
ĐB nhấn mạnh, cử tri thường mong muốn sau mỗi cuộc giám sát, bên cạnh việc đề nghị, kiến nghị về chính sách các luật, về tổ chức thực hiện thì phải chỉ ra được những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giám sát, như vậy giám sát mới toàn diện, mới nghiêm minh sâu sắc, rõ ràng và còn là bài học làm gương, làm mẫu cho cấp dưới; đồng thời, cũng chính là thực hiện kỷ cương phép nước.
Vẫn theo ĐB Trương Thị Huệ, hoạt động chất vấn được coi là hoạt động giám sát hiệu quả nhất được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của chất vấn là phải truy được trách nhiệm thì lại làm chưa tốt. “Thử kiểm lại hàng ngàn câu chất vấn trực tiếp và bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, không có câu nào là không hỏi trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, câu trả lời về vấn đề trách nhiệm cũng rất ít được trả lời, có thể vì vậy cho nên hàng loạt các vụ việc như: Phá rừng, làm biệt thự trái phép, ký túc xá vài trăm tỷ bỏ hoang, công trình nước sạch chết yểu, nhà máy thép ngàn tỉ thành sắt vụn... đằng sau vẫn là câu hỏi trách nhiệm mà cử tri muốn có được câu trả lời nhanh chóng, rõ ràng” – ĐB phát biểu.
Theo ĐB, việc quy trách nhiệm là không dễ, song đó là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, của chính quyền địa phương và của từng đại biểu Quốc hội. “Thực trạng đó phải tìm cách khắc phục vì nếu tổ chức, cá nhân làm chưa tốt, làm sai lại không phải chịu trách nhiệm thì chính là kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, tức là quyền lực nhà nước chưa được thực thi đầy đủ và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục, làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực yếu kém” – ĐB phân tích.
Đồng tình với những nhận định trên, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng đánh giá, tổ chức giám sát và cách thức tổ chức giám sát có cuộc còn hình thức và kém hiệu quả. Thành viên của Đoàn giám sát chưa đảm bảo với yêu cầu của nội dung giám sát, thời gian giám sát ngắn, chủ yếu có những cuộc chỉ nghe báo cáo và ít giám sát trực tiếp nên nội dung giám sát hiệu quả chưa cao.
Còn theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), trong một số đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thì số lượng đại biểu Quốc hội ít hơn các thành viên tham gia. Thành phần mời các bộ, ngành thường là các Vụ trưởng. “Vô tình chúng ta hạ thấp vị thế của đoàn. Các bộ, ngành chưa chú trọng đến trách nhiệm của mình đối với các đoàn giám sát” – ĐB nhận định.
Ở khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thẳng thắn nêu thực trạng, qua giám sát gần như không khen ai và cũng không chê ai, không ai bị kỷ luật qua hoạt động giám sát của Quốc hội. “Trong tham gia xây dựng, ban hành Luật giám sát Quốc hội, tôi đã có đề nghị bám vào quan điểm của Đảng trong hoạt động kiểm tra giám sát, đó là có khen, có chê. Bây giờ ta làm hoạt động này, nhưng trong luật không nói được nguyên tắc, mục đích. Quốc hội khóa tới làm sao khắc phục được hạn chế này. Thấy tồn tại thì phải phê bình, cái làm tốt thì có khen, hiện ta chưa làm được” – ĐB đề nghị.
Cũng phát biểu về những hạn chế trong hoạt động giám sát, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề: “Cử tri vẫn còn băn khoăn, chúng ta nói Quốc hội phải làm, phải giải quyết những việc lớn, nhưng việc nhỏ không làm được thì sao làm việc lớn?”.
Từ đó, ĐB nhấn mạnh: “Giám sát lớn một chủ trương, đường lối là đúng nhưng cần phải đi vào cụ thể. Cử tri bây giờ rất mong được làm những công việc cụ thể, chỉ làm những công việc cụ thể mới tác động dây chuyền mạnh mẽ đến việc khác. Những cơ quan, đơn vị, người đứng đầu ngành nào quyết định những vấn đề cụ thể, giải quyết được thì mới được lòng dân”./.