Đại Lộc (Quảng Nam): Khẩn trương ổn định đời sống, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất

Thứ ba, 20/12/2016 22:47
(ĐCSVN) – Là một trong những địa bàn được xem là “rốn lũ” ở tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc đang ở trong cảnh... tan hoang vì những cánh đồng ngập úng.

 

Nhiều chân ruộng hoa màu của nông dân
 thôn 2, xã Đại An tại cánh đồng Bàu Tròn bị thiệt hại do mưa lũ.

Cánh đồng Bàu Tròn (thôn 2, xã Đại An) vào thời điểm này các năm trước luôn rộn ràng bởi tiếng cười nói của người nông dân bước vào mùa sản xuất rau, màu chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán. Thế nhưng năm nay, hơn 50 ha đất canh tác hoa màu của gần 300 hộ dân ở thôn 2, xã Đại An bỗng chốc tan hoang do mưa lũ gây ngập úng, thiệt hại gần như hoàn toàn. Khắp cánh đồng, nước lũ đọng lại vàng đục. Nhiều thửa ruộng bùn nhão nhoẹt ôm khắp thân cây, khiến các loại hoa, màu chuẩn bị Tết của người dân địa phương vữa mục, chết héo.

Luyến tiếc gần 2 sào đất trồng khổ qua, ớt để bán dịp Tết tới đây vừa bị nước lũ làm thiệt hại hoàn toàn, bà Phan Thị Mười (trú thôn 2, xã Đại An) buồn bã chia sẻ: "Mọi năm, với số hoa màu này đủ để gia đình tôi bán lấy tiền trang trải cho ngày Tết. Ai ngờ, năm nay, cả vườn khổ qua, ớt... đang tốt tươi  bỗng chốc tiêu tan sau mấy ngày mưa lớn. Nước thượng nguồn về gây ngập không kịp trở tay. Mất trắng thế này cũng đồng nghĩa là năm nay nhà tôi không có Tết".

Theo lãnh đạo xã Đại An, cánh đồng hoa màu, rau, quả thôn Bàu Tròn được xem là vùng trồng rau chuyên canh lớn nhất của huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam hiện nay. Đây là cánh đồng rau cung cấp chủ yếu cho chợ đầu mối và một số siêu thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Thế mà, mưa lũ đã làm cho cánh đồng ngập lụt nhiều ngày, hoa màu chết úng. Tiếc của, sau mưa lũ, nhiều nông dân đem máy bơm ra bơm tháo nước để cứu hoa màu nhưng không kịp. Một phần do ngập sâu kéo dài, phần khác bùn nhão bám chặt vào thân cây, khiến thân cây bị thối thân, chết héo.

“Với đa số nông dân huyện Đại Lộc, trong đó có bà con nông dân thôn 2 xã Đại An, mùa rau cải giáp Tết như cái phao cứu sinh hữu hiệu nhất trong năm để bà con bán, lấy tiền mua sắm cho ngày Tết. Bây giờ nhiều người chẳng muốn ra đồng, vì ra đồng, nhìn đám hoa màu chết úng, chỉ thêm xót lòng mà thôi...”- ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ.

Hiện lãnh đạo huyện và các xã đang thống kê mức thiệt hại để có hỗ trợ cho nông dân. Theo thống kê sơ bộ, trận mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay đã làm hơn 2.500 ha hoa màu của nông dân trong huyện bị hư hại hoàn toàn, ước thiệt hại gần 90 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là cánh đồng hoa màu tại các xã: Đại An, Đại Lãnh, Đại Hồng. Nhiều hộ mất trắng 30-40 triệu đồng vì khi xuống giống 2-3 đợt đều bị mưa lũ làm hư hại.

“Ngoài việc thống kê thiệt hại để hỗ trợ cho nông dân, trước mắt, UBND huyện Đại Lộc yêu cầu các xã động viên nhân dân ra đồng xử lý ruộng để sản xuất lại. Huyện khuyến khích bà con trồng những hoa màu ngắn ngày để kịp cho nhu cầu sử dụng trong dịp Tết đang cận kề. Trong khi đó, với các hộ có nhà bị hư hỏng, người mất, bị thương, huyện cũng đã hỗ trợ bước đầu để khắc phục, đồng thời cũng đang báo cáo với UBND tỉnh để hỗ trợ giống sản xuất và  gạo cứu đói cho bà con” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn cho biết.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh làm việc với 
đại diện huyện Đại Lộc sau khi đi thực tế tìm hiểu thiệt hại của nông dân do mưa lũ vừa qua gây ra.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, sáng 20/12, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ tại: thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc...


Sau khi kiểm tra thực tế và nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo thiệt hại, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo các huyện, xã phải gấp rút ổn định đời sống và hỗ trợ, điều kiện cho người dân sản xuất. Ông Lê Trí Thanh cũng cho biết, hiện UBND tỉnh Quảng Nam đang có chủ trương hỗ trợ tối đa cho nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Vì thế,  các địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại một cách chính xác, đúng cả về số liệu tổng thiệt hại cũng như thiệt hại của từng hộ gia đình. Ngoài ra, các địa phương cũng cần làm việc với các đại lý bán giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu… không tăng giá bán nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người nông dân.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa đề xuất với Trung ương mức hỗ trợ trước mắt để khắc phục hậu quả mưa lũ gồm: Mua giống cây trồng cấp cho địa phương trong tỉnh phục vụ sản xuất 8 tỷ đồng; khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi 20 tỷ đồng; 100 cơ số thuốc dự phòng, 02 tấn CloruaminB, 100.000 viên aquatab phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và khử trùng, xử lý môi trường vùng lũ./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực