Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép

Thứ sáu, 30/07/2021 13:22
(ĐCSVN) - Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức một hội nghị trực tuyến với sự tham gia tất cả 96 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phòng chống dịch bệnh và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.
leftcenterrightdel
 Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021 (Ảnh: MH)

Tối 29/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021.

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức một hội nghị trực tuyến với sự tham gia tất cả 96 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phòng chống dịch bệnh và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm. Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị, cùng dự có tất cả các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các Thủ trưởng đơn vị là thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế của Bộ.

Hội nghị diễn ra một ngày sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV và Chính phủ đang khẩn trương xây dựng các phương án, tổ chức triển khai nghị quyết của Quốc hội. Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Trưởng Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế, đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, đóng góp thiết thực hơn nữa, bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ.

Trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, với tác động lan rộng và phức tạp của đại dịch Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các Trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao vắc xin và “hiến kế” cho Chính phủ, các Bộ, ngành trong nước về kiểm soát dịch bệnh, tham mưu về các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đồng thời làm tốt công tác thông tin truyền thông đối ngoại.

Các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự đã phát biểu khẳng định nhận thức rõ trách nhiệm là đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, trách nhiệm của từng đồng chí đối với đất nước, đối với nhân dân trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện cũng chia sẻ cụ thể, đánh giá chi tiết về tình hình và xu thế của dịch bệnh, xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới, các thách thức và vấn đề đặt ra với Việt Nam, để từ đó đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để ngành Ngoại giao nói riêng và Chính phủ nói chung đóng góp trong công tác phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết luận Hội nghị, (Ảnh: MH)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh và đánh giá cao các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến thực chất, có tâm huyết và có trách nhiệm về triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, tinh thần chung của Hội nghị là trao đổi, thống nhất các nhiệm vụ và biện pháp cụ thể để cùng đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng khẳng định, điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đối với nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Về công tác 6 tháng đầu năm, đồng chí Bùi Thanh Sơn đánh giá các cơ quan đại diện đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, gắn chặt với các chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu trong nước. Để đạt được kết quả quan trọng này là nhờ sự đoàn kết, chung sức, nỗ lực của các đơn vị trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự. Bộ trưởng nhấn mạnh, điểm sáng nhất của ngoại giao kinh tế trong 6 tháng đầu năm là ngoại giao vắc-xin, đã góp phần vào kết quả chung của đất nước trong việc vận động và tiếp nhận hơn 14 triệu liều vắc-xin mặc dù nhu cầu thực tế trong nước còn rất lớn. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, từ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Ngoại giao kinh tế cũng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, duy trì nhập cảnh cho chuyên gia, nhà đầu tư, cho đến lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế trong mọi trao đổi, điện đàm cấp cao... Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động, phối hợp xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong quan hệ kinh tế với các nước, giới thiệu và kết nối nhiều nhà đầu tư với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.

Về bối cảnh sắp tới, đồng chí Bùi Thanh Sơn cho rằng dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc mà đang chuyển sang “trạng thái bình thường mới” với các diễn biến phức tạp hơn nhưng phải khẳng định rằng có vắc-xin thì dịch bệnh suy giảm, tạo điều kiện để mở cửa nền kinh tế. Bộ trưởng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm, các Trưởng Cơ quan đại diện cần thực hiện các nhiệm vụ với phương châm tiếp tục chủ động, sáng tạo trong phát hiện, đề xuất các cơ hội hợp tác. Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi Trưởng Cơ quan đại diện là một tướng lĩnh ở mặt trận, cần phát huy sức sáng tạo phục vụ hai mục tiêu là chống dịch và phát triển kinh tế và trong triển khai cần bám thật sát nhu cầu phát triển trong nước. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện cần làm tốt năm nhiệm vụ:

Một là, đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin theo cả các hình thức viện trợ, bán và chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ trưởng chỉ đạo, thuốc điều trị Covid-19 là một phương hướng mới, các Trưởng Cơ quan đại diện cần tìm hiểu cụ thể, thông tin ngay về trong nước.

Hai là, tập trung theo dõi, phát hiện các xu hướng mới trong và sau Covid-19 để thông tin, tham mưu cho Chính phủ trong triển khai các chiến lược, định hướng phát triển đất nước. Chẳng hạn các vấn đề như chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển xanh, kinh tế số, phát triển bền vững cần được nghiên cứu sâu hơn và kỹ hơn.

Ba là, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, nhất là trong bối cảnh 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao với các nước đối tác. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan đại diện sớm rà soát tổng thể, tìm hiểu và chủ động đề xuất các dự án kinh tế cụ thể, mang tính chiến lược trong quan hệ với các đối tác quan trọng và từ đó tổ chức xúc tiến kinh tế đối ngoại thực chất, hiệu quả nhân các chuyến thăm cấp cao.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp xúc tiến kinh tế đối ngoại thích ứng với bối cảnh Covid-19.

Năm là, trên cơ sở tình hình cụ thể của từng địa bàn, các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự cần chủ động thông tin, tham mưu các kế hoạch, lộ trình nối lại hợp tác kinh tế, đi lại, du lịch giữa Việt Nam với các nước.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành Ngoại giao dồn toàn lực, phát huy tối đa các nguồn lực cho mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân trong nước đang tập trung mọi nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để thực hiện bằng được mục tiêu kép. Các cán bộ ngoại giao, hơn bao giờ hết, phải dành quyết tâm cao nhất, với tinh thần chủ động, sáng tạo, cần hành động khẩn trương, quyết liệt, đồng hành cùng cả nước trong thực hiện các mục tiêu đã đề ra./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực