Đẩy mạnh truyền thông về nhân quyền

Thứ năm, 19/11/2020 20:43
Với 5 chuyên đề, hội nghị đã thông tin đến đại biểu các kiến thức cơ bản về quyền con người; chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số; tổng hợp, cập nhật, đánh giá thực tiễn công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền phát biểu tại Hội nghị. 

Ngày 19/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tập huấn công tác thông tin, truyền thông về quyền con người cho cán bộ làm công tác truyền thông, phóng viên các cơ quan báo chí của 26 tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên.

Với 5 chuyên đề, hội nghị đã thông tin đến đại biểu các kiến thức cơ bản về quyền con người; chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số; tổng hợp, cập nhật, đánh giá thực tiễn công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Các đại biểu còn được nghe kết quả của công tác đối ngoại về nhân quyền của Việt Nam thời gian qua và dự báo tình hình năm 2021; những bài học rút ra cùng những phương pháp, cách thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền con người thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp thực tế về quyền của con người; về việc thực hiện công tác chính sách dân tộc – tôn giáo tại địa phương, cơ sở; kết quả triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nhân quyền của tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cán bộ, nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ những thành tựu trong công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền, để nhìn nhận, hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người, cũng như nỗ lực của Chính phủ, cùng các cấp, ngành, chính quyền các địa phương trong việc bảo đảm quyền con người. Qua đây, Ban Tổ chức kỳ vọng báo chí tiếp tục có những sản phẩm tuyên truyền về nhân quyền, đặc biệt là lĩnh vực tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống hoạt động mua bán người.

Bà Trần Chi Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Ủy ban dân tộc cho biết, ngoài những quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số có những quyền đặc thù và ưu tiên riêng, như: quyền về nhà ở, quyền thừa kế, quyền có việc làm, các quyền kinh tế/xã hội/văn hóa,… được quy định tại Điều 5 Hiến pháp 2013 và các văn bản dưới Luật. Thời gian qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai mạnh mẽ, qua đó cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư kiên cố, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh truyền thông về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình được kỳ vọng sẽ là mốc son, dấu ấn lịch sử phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền, thực hiện tốt hơn quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Để đạt được mục tiêu đảm bảo quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình cũng như đề xuất hướng giải quyết.

Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc đến ngày 20/11. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu có chuyến đi thực tế ghi nhận tình hình bảo đảm quyền con người ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) với 23 dân tộc cùng sinh sống, có nhiều thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích cơ bản của đồng bào các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn./.

 

Hoài Thu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực