Đề nghị đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng COVID-19

Thứ ba, 15/06/2021 16:36
(ĐCSVN) - Cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn.

Đây là đề xuất của nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/7. Nội dung phiên họp tập trung cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, việc thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của Nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.

“Cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị. Đồng thời nhấn mạnh, cần chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp đang bị phong tỏa hoạt động trở lại.  

Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Bùi Hùng)

Tương tự, khi đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cho rằng, việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch COVID-19 trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đồng thời, để có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đề nghị Chính phủ sớm sơ kết, đánh giá, báo cáo cụ thể với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất về kết quả phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và các gói cứu trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; kiến nghị các giải pháp đủ mạnh để tấn công, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, trong đó có giải pháp với lộ trình cụ thể về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần đánh giá thêm việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, trong đó cần đánh giá kỹ nguyên nhân chủ quan, khách quan; kế hoạch tiếp theo như thế nào, xem giải pháp gì cần tiếp tục thực hiện, giải pháp nào cần điều chỉnh?

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ không đạt kết quả như kỳ vọng khi ban hành chính sách. Số đối tượng thụ hưởng, tỷ lệ giải ngân rất thấp; nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn không đảm bảo mức sống tối thiểu chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này. Vẫn theo bà, một số quy định để hướng dẫn thực hiện cứng nhắc, chưa sát thực tiễn; một số quy định rất khó thực hiện...

Cho biết đã có báo cáo gửi đến các bộ, ngành liên quan nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị kiến nghị Chính phủ tổng kết đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ để đưa ra các dự báo, kịch bản phù họp hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn, thuận lợi cho việc tiếp cận; đúng mục tiêu, đối tượng, thích ứng với cách tiếp cận mới, quan điểm chỉ đạo mới phòng, chống dịch bệnh”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực