Đề nghị hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng

Thứ tư, 25/05/2022 19:57
(ĐCSVN) – Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng; đảm bảo khi các quy định của luật có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa của người xem.
 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: QH

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 25/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Đối với quy định về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, tất cả các liên hoan phim, các cuộc thi phim đều được tổ chức theo hướng mở để tất cả các tổ chức đều có thể tham gia. Tuy nhiên, Liên hoan phim Việt Nam và Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là hai liên hoan phim có truyền thống, gắn với định hướng nghệ thuật, liên quan đến việc tôn vinh, thi đua khen thưởng của các văn nghệ sỹ, nên đối với các ý kiến kiến nghị xã hội hóa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, hiện nay với các phim phổ biến trong không gian mạng, các chủ thể phổ biến phim đều bình đẳng.

 Nguồn: VTV

Góp ý đến nội dung liên quan đến quy định hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng rất lớn, nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim trên không gian mạng chiếm phần lớn lưu lượng truy cập trên internet, khiến thị trường phim trên không gian mạng phát triển ngày càng sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh các bộ phim hay cũng còn những bộ phim thiếu lành mạnh, lạm dụng hình ảnh bạo lực, phản cảm. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.

Từ quan điểm đó, đại biểu để nghị cần quy định mở về hình thức để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chủ thể phổ biến phim phải gỡ bỏ phim theo hướng khái quát. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn gỡ phim; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng.

Cho rằng việc quản lý chưa hiệu quả các nền tảng không gian mạng đã gây nên tổn thương không nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu quan điểm: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc quy định cơ chế hậu kiểm đối với quản lý phim trên không gian mạng, để giảm thiểu các tình trạng xuyên tạc sự thật lịch sử, đưa các thông tin xấu, độc.

Theo đại biểu, việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm không mang nhiều ý nghĩa khi nội dung đó đã tiếp cận được nhiều khán giả, có thể được tải xuống và đăng trên các nền tảng khác. Trong khi đó, việc sử dụng các công cụ mạng xã hội là rất phổ biến, thông tin trên các nền tảng mạng xã hội lan tỏa mọi lúc, mọi nơi.

Đại biểu cho rằng cần có giải pháp để cha mẹ, người giám hộ của trẻ có thể tự kiểm soát, quản lý, đảm bảo trẻ em xem phim trên không gian mạng đúng độ tuổi theo quy định.

Đại biểu đề nghị cần đánh giá thận trọng những nguy hiểm khôn lường của các nền tảng xuyên biên giới, việc phổ biến phim trên không gian mạng cần áp dụng quy trình quản lý chặt chẽ để được cấp phép, cần đảm bảo sự công bằng cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào nền công nghiệp điện ảnh, tránh tình trạng “nhờn thuốc” với hình thức hậu kiểm.

Từ các phân tích trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định tại dự thảo Luật về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng; đảm bảo khi các quy định của luật có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có được bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa của người xem./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực