Doanh nghiệp xuất khẩu vào EU vẫn gặp nhiều khó khăn về rào cản

Thứ sáu, 23/04/2010 09:38

 Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), Liên minh châu Âu (EU) là khu vực chiếm 74% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường châu Âu, là một thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU vốn đã gặp không ít rào cản thì hiện nay khó khăn lại đang có dấu hiệu gia tăng.

Thống kê của Bộ Công Thương, thương mại hai chiều Việt Nam – EU trong năm 2009 đã bị suy giảm 6,67% so với năm 2008 (đạt 15,2 tỷ USD) do khủng hoảng kinh tế toàn cầu; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 9,38 tỷ USD, giảm 13,57%. Không những thế, hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị áp thuế chống bán phá giá 10% và không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cùng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế như giầy da đã bị suy giảm tới 22% so với năm 2008 (đạt 1,94 tỷ USD). Ngoài ra, cà phê là mặt hàng xuất khẩu khá ổn định về số lượng, nhưng do giá thế giới biến động nên giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam vào EU cũng giảm 18%…Các nhóm hàng khác có mức tăng trưởng xuất khẩu khá vào EU các năm trước như cao su thiên nhiên, sản phẩm nhựa, máy vi tính, đồ điện tử, hàng tạp phẩm, đồ chơi trẻ em, than đá, hạt tiêu, hạt điều… năm 2009 cũng đã giảm mạnh từ 20%-30%.


Tính đến thời điểm này, triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU năm 2010 vẫn chưa có nhiều cải thiện. Hàng hóa mục XII vẫn không được hưởng GSP, trong khi đó, Việt Nam chưa đạt được thỏa thuận ưu đãi thuế quan mới nào với EU để có thể đột phá về trao đổi thương mại song phương. Các chuyên gia Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế EU vẫn gặp nhiều khó khăn sau khủng hoảng kéo theo chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Một số sản phẩm của Việt Nam như giầy mũ da, xe đạp, chốt cài inox vẫn bị áp thuế chống bán phá giá cao trên thị trường EU. Ngoài ra, năm 2010, EU sẽ tiếp tục đẩy mạnh các rào cản kỹ thuật như tăng cường thực hiện Luật Hóa chất (REACH), IUU (yêu cầu giấy phép đánh bắt cá đối với sản phẩm hải sản), đồng thời nghiên cứu triển khai Luật Nghề rừng (FLEGT – yêu cầu có chứng chỉ rừng, nguồn gốc khai thác gỗ và khai thác rừng bền vững đối với mặt hàng đồ gỗ). Các quy định của REACH, IUU… hay việc tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng thủy sản, nông sản, kiểm tra xuất xứ hàng hóa, điều tra gian lận thương mại… của EU không phải bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể vượt qua được.


Vì vậy, các chuyên gia Vụ Thị trường Châu Âu khẳng định: hiện Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh làm việc với EC về việc gỡ bỏ những rào cản mà Việt Nam đang gặp phải tại thị trường EU. Đồng thời Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và phổ biến quy định cũng như cơ hội thị trường... giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này. Ngoài ra, bên cạnh việc tăng cường cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực này do Bộ Công Thương xây dựng sẽ vừa đóng vai trò như một khu công nghiệp, vừa là kho ngoại quan. Hàng hóa của Việt Nam sẽ được xuất khẩu trực tiếp vào Trung tâm này để chế biến, đóng gói sau đó mới phân phối cho các kênh tiêu thụ tại thị trường này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực