Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường

Thứ bảy, 24/10/2020 18:11
(ĐCSVN) - Việc xác định một loại giấy phép môi trường thể hiện đúng thẩm quyền giao cho 1 cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và sẽ khắc phục được tình trạng nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan quản lý cấp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, về giấy phép môi trường nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1 là chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Việc xác định một loại giấy phép môi trường thể hiện đúng thẩm quyền giao cho 1 cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và sẽ khắc phục được tình trạng nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan quản lý cấp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, nếu chúng ta thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình. Tuy nhiên để bảo đảm chặt chẽ cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện nội dung.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) thống nhất với quan điểm của đại biểu Mai Hoa, đó là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải. Theo đại biểu, các giấy phép còn lại có lẽ không cần, ở đây có 6 loại giấy phép, đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với nước có xả thải qua công trình thủy lợi phải có các yêu cầu đảm bảo an toàn của công trình thủy lợi. Phương án này là phù hợp, vì hiện nay thủ tục hành chính cũng gây tốn kém và mất thời gian cho doanh nghiệp, còn nếu làm cho hết 6 giấy phép này cũng rất mất thời gian. Do đó, phương án tích hợp các loại giấy phép môi trường vào chung một sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp rút gọn các thủ tục hành chính, đồng thời giảm bớt thời gian, chi phí để đảm bảo công tác sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là việc xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi theo phương án được Chính phủ trình sẽ không bỏ quy định này mà tích hợp nội dung xả nước thải vào các công trình thủy lợi vào trong giấy phép môi trường. Vì vậy, thực chất đây việc rút gọn các thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các đơn vị có nhu cầu xả nước thải vào các công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng nên thực hiện phương án 2, là vẫn thực hiện cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như đã được quy định trong Luật Thủy lợi. Bởi vì, Luật Thủy lợi do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm và bảo vệ số lượng và chất lượng về nước trong công trình thủy lợi để đáp ứng việc chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là hợp đồng dân sự. Vì vậy, nếu giao ngành tài nguyên môi trường thực hiện cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi sẽ dẫn đến việc quản lý nhà nước về công trình thủy lợi do 2 ngành quản lý, tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm về chất lượng nước mà ngành nông nghiệp phát và triển nông thôn chịu trách nhiệm về số lượng nước trong các công trình thủy lợi.

"Nếu chia tách 2 vấn đề này về số lượng và chất lượng như vậy sẽ không bảo đảm tính khoa học, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và sẽ dẫn đến việc vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện", đại biểu Tuân phân tích./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực