Đồng bộ các giải pháp xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững

Thứ tư, 18/05/2022 15:08
(ĐCSVN) – Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, “trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể xây dựng được một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại nhưng để làm chuyển biến tư duy, nhận thức của con người vốn quen sống ở nông thôn phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài vì thế phải kết hợp tổng hợp nhiều biện pháp”.

Sáng 18/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị.

leftcenterrightdel
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận Hội nghị

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị

Trình bày báo cáo về những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hoá đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quán triệt các nội dung chính trong Nghị quyết

Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 06 đề ra là: Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%.

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2 vào năm 2025, khoảng 8-10 m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Nghị quyết 06 cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị;...

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành và nhiều địa phương đã phát biểu tham luận về những nội dung trọng tâm của Nghị quyết; thảo luận nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất các kiến nghị nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu chính

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời gợi mở một số nội dung quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết quan trọng này. Quá trình đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị, đồng thời sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể, bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Đồng thời, việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại. Lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

“Tôi xin nhấn mạnh, trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể xây dựng được một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại nhưng để làm chuyển biến tư duy, nhận thức của con người vốn quen sống ở nông thôn phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài vì thế phải kết hợp tổng hợp nhiều biện pháp”, đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu.

Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng nhanh và hiệu quả.

Để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tại điểm cầu chính

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết. Chương trình hành động phải đảm bảo sát các nội dung Nghị quyết phù hợp với từng địa phương, từng vùng. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị. Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết. Khẩn trương chỉ đạo ra soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực