Dự báo GDP 6 tháng tăng 5,8%

Thứ ba, 15/06/2021 12:22
(ĐCSVN) - Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CPcủa Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm Quý I năm 2021 (tăng 5,92%).
Nguồn: VTV 

Sáng 15/6, tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chỉ đạo, tổ chức chuẩn bị sớm, xây dựng bài bản, công phu các báo cáo Kế hoạch 5 năm2021-2025, bám sát và cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, khóa XV.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Bùi Hùng)

Từ những kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm, dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm Quý I năm 2021 (tăng 5,92%).

Thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%.

Hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.

Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới và trong nước 6 tháng cuối năm 2021, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, cần tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả, thành công các chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ chính trị được giao. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ gắn với đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. “Kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc-xin phòng COVID-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh.

Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch; có biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng dành một phần không gian cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân.

Các nhiệm vụ, giải pháp khác được đưa ra là tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp...;Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng; Phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5, 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực