Đưa ASEAN trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết hơn và ràng buộc hơn về pháp lý

Thứ tư, 06/01/2010 10:05

(ĐCSVN) - Tuyên bố Băng Cốc đánh dấu sự ra đời của ASEAN đã nêu các mục tiêu gồm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực. ASEAN mở rộng, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á với việc Việt Nam tham gia năm 1995, tiếp đó là Lào, Mi-an-ma và Căm-pu-chia, đánh dấu bước ngoặt phát triển của Hiệp hội và tạo điều kiện để hướng tới xây dựng một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình ở Đông Nam Á.

Trải qua 4 thập kỷ hình thành và phát triển, nội dung hợp tác giữa các nước thành viên với nhau và giữa ASEAN với bên ngoài ngày càng trở nên sâu, rộng và hình thức ngày càng phong phú. Quá trình đó cũng đánh dấu sự hình thành và phát triển các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế cho đến văn hóa - xã hội... ASEAN cũng xây dựng được một loạt những văn kiện quan trọng mang tính định hướng, tạo khuôn khổ cho hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Trước những nhu cầu cấp bách cần phải nâng cao hiệu quả hợp tác và trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển to lớn, ASEAN đã nỗ lực tăng cường liên kết khu vực, biến Hiệp hội thành một tổ chức khu vực gắn kết chặt chẽ hơn, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì hoà bình, ổn định sự phát triển kinh tế năng động của mỗi nước và cả khu vực.

Năm 1997, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội, Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức lần II (Kua-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a, tháng 12/1997), ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, nêu định hướng phát triển lớn của ASEAN trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21, hướng tới mục tiêu xây dựng một tập hợp hài hòa các dân tộc ở Đông Nam Á, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ đối tác năng động và một cộng đồng của các xã hội đùm bọc lẫn nhau. Tầm nhìn ASEAN 2020 cũng nêu những mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hoá và quan hệ đối ngoại. Có thể nói đây là một mốc quan trọng mới, đánh dấu bước chuyển giai đoạn của ASEAN hướng tới một tổ chức chặt chẽ và ràng buộc hơn về pháp lý.

Để triển khai Tầm nhìn 2020, ASEAN đã xây dựng Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 (Hà Nội, tháng 12/1998) với các dự án, hoạt động hợp tác cụ thể trong giai đoạn 1999-2004. Do phải chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998 nên các hoạt động hợp tác ASEAN nói chung và các dự án trong khuôn khổ HPA nói riêng giai đoạn này chủ yếu tập trung vào khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng như khắc phục những hậu quả về mặt xã hội của cuộc khủng hoảng đối với các nước thành viên.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 (Phnôm Pênh, Căm-pu-chia, tháng 11/2002), Thủ tướng Xinh-ga-po đã đưa ra ý tưởng hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) như một mục tiêu cuối cùng của liên kết kinh tế khu vực như được đề ra trong Tầm nhìn 2020, biến ASEAN trở thành một thị trường thống nhất, nơi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tự do hơn trong lưu chuyển vốn… Tiếp theo ý tưởng xây dựng AEC, năm 2003, In-đô-nê-xi-a đề xuất ASEAN nên tiến tới xây dựng Cộng đồng An ninh (ASC) nhằm tạo dựng một môi trường bền vững nơi các nước cùng chung sống trong hòa bình, ổn định, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đồng thời tăng cường hợp tác để đối phó một cách tốt hơn với những thách thức an ninh mới nổi lên. Để tạo cân bằng trong sự phát triển, ASEAN sau đó đã nhất trí hình thành Cộng đồng Xã hội - văn hoá.

Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 9 (Bali, In-đô-nê-xi-a, tháng 10/2003), ASEAN đã ra Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II - BAC II), khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Xã hội -văn hoá (ASCC), đồng thời cũng phác thảo những ý tưởng lớn của từng Cộng đồng. Ban đầu, ASEAN dự kiến hoàn thành Cộng đồng vào năm 2020, song trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế, cũng như nhu cầu đẩy nhanh liên kết khu vực và phát triển của từng nước thành viên, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 12 (tháng 1/2007), các nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí phấn đấu đẩy nhanh việc hoàn thành mục tiêu này vào năm 2015, sớm hơn dự kiến 5 năm. Các nước ASEAN cũng nhất trí đồng thời tiến hành xây dựng ba cột trụ trên bởi có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Hướng tới mục tiêu đó, ASEAN hiện đã nỗ lực xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động quan trọng như Chương trình hành động Viên-chăn (VAP), các Kế hoạch hành động cụ thể xây dựng từng trụ cột Cộng đồng, đặc biệt là xây dựng, ký kết và phê chuẩn Hiến chương ASEAN, góp phần đưa ASEAN trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết hơn và ràng buộc hơn về pháp lý.

Để tạo khuôn khổ và cụ thể hóa các bước đi trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 (tháng 2/2009), các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-xã hội, cùng với Kế hoạch công tác về Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn II (2009-2015), như một văn kiện kế tục Chương trình Hành động Viên chăn (VAP), giúp ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực gia tăng liên kết khu vực và thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực