Dứt khoát phải đảm bảo an toàn cho tuyến biển

Thứ sáu, 23/10/2020 17:43
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: Dứt khoát khu vực hoạt động trên biển phải an toàn; trong đó, lưu ý đến các tàu vãng lai, vận tải hàng hóa. Cần thông tin, kiên quyết bảo đảm an toàn cho các tàu này.

Chiều ngày 23/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm bàn các giải pháp ứng phó với cơn bão số 8 đang hướng về các tỉnh miền Trung.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: BT)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra nhận định, vùng trọng tâm của bão số 8 sẽ ảnh hưởng từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh. Về tình hình mưa, mưa tập trung trong đêm 24/10 và ngày 25/10 với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Đáng chú ý, theo ông Mai Văn Khiêm, hiện đang có áp thấp ở phía Đông Philippines, có khả năng đi vào biển Đông nước ta.

“Nếu như cơn bão số 9 sắp tới hình thành và vào nước ta thì sẽ tương tự như lịch sử năm 1983, một tháng có 4 cơn bão và 1 cơn áp thấp, là năm diễn ra lũ lụt rất lớn” – ông Khiêm cho biết.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, để ứng phó với bão số 8, ngay từ ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương đã có công điện gửi các địa phương. Đồng thời, đã có 7 tỉnh, thành phố có công điện chỉ đạo, từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, Bình Định.

Đối với khu vực trên biển, ông Trần Quang Hoài lưu ý, cần hết sức chú ý đến tàu thuyền vãng lai, việc neo đậu ở khu trú tránh bão. “Ngay cơn bão vừa qua, chúng ta thấy có 3 tàu của Vietship gặp sự cố, lực lượng cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn” – ông Hoài nhấn mạnh.

Đồng thời, đợt tới mưa dự báo từ 100-200mm, dễ gây ra ngập lụt, ông Hoài cho rằng cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó với cơn bão số 9. Đồng thời, cần vận hành đúng quy trình các hồ chứa thủy lợi lớn để đưa về mực nước đón lũ. Đây là câu chuyện khó khăn bởi có thể  đây là đợt mưa sau cùng ở khu vực Bắc Trung bộ, ngoài vận hành xả lũ còn trữ nước để đảm bảo cho sản xuất tới đây.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Quang Hoài, về phía Tổng cục đang đôn đốc các địa phương để quyết liệt đảm bảo an toàn cho các hệ thống đê biển, cửa sông, hệ thống công trình đang thi công ở khu vực này.

Về tàu cá gặp nguy hiểm, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết thêm, hiện nay, đang còn 37 tàu cá nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, trong đó có 1 tàu của tỉnh Bình Định đang sát tâm bão. Hiện Tổng cục Thủy sản đã gửi thông báo, hướng dẫn và tất cả các tàu đã tiếp nhận được thông tin.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho hay, vấn đề tàu chìm chủ yếu ở trong khu neo đậu. Tổng cục Thủy sản đề nghị các tỉnh cần rà soát công bố lại luồng cho tàu cá vào, hướng dẫn kỹ thuật cho tàu vào tránh trú bão.

Tại cuộc họp, đại diện của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thông tin thêm, hiện nay có 6 máy xúc đang tiến hành tìm kiếm cứu nạn ở khu vực Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Đến nay đã tìm thêm được 1 thi thể người gặp nạn, còn lại 14 người đang được tìm kiếm. Chiều nay, Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp triển khai tìm kiếm nạn nhân. Cũng trong chiều nay, quyết tâm thông toàn bộ tuyến đường từ Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Không được chủ quan khi ứng phó với bão số 8 khi dự báo là vùng ảnh hưởng tiếp tục là khu vực miền Trung vừa chịu đợt ngập lũ nặng vừa qua, bất kỳ một ảnh hưởng nào thêm cũng dễ gây ra các tổn thương rất lớn.

“Chưa bao giờ lịch sử lặp lại 1 tháng có 5 cơn bão và áp thấp, bắt đầu từ  ngày 26/10, dự báo có cơn bão số 9. Hoàn lưu các cơn bão liên tục nối đuôi nhau. Do vậy, cần hết sức cảnh giác” – Bộ trưởng nói.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị dứt khoát khu vực hoạt động trên biển phải an toàn. Riêng 1 tàu Bình Định nằm gần tâm bão, Bộ Ngoại giao tiếp tục cần có công điện sang phía nước bạn, công điện cho đại sứ của Việt Nam tại nước bạn để có lực lượng cứu hộ cho tàu này.

Với 37 tàu ở trong khu vực nguy hiểm, đã định vị được, cần bám tới cùng. Bộ đội biên phòng cùng kiểm ngư, Tổng cục phòng chống thiên tai cùng phối hợp, kiểm soát từng tàu một ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, cần kiểm tra còn sót tàu nào đang nằm trong vị trí nguy hiểm.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý đến các tàu vãng lai, vận tải hàng hóa,… cần lưu ý thông tin, kiên quyết để đảm bảo an toàn cho các tàu này.

Bộ trưởng đề nghị, tất cả các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển, cần tổ chức tuyên truyền, thuyết phục người dân không ra ngoài khi bão vào.

Bộ trưởng cũng lưu ý đến hoàn lưu mưa sau bão. “Chưa bao giờ lịch sử toàn tuyến miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, mưa 3.500mm trong vòng 10 ngày, có nơi 1 tuần. 7 lưu vực vượt ngập lũ lịch sử. Toàn bộ hồ, cơ bản cả thủy điện, thủy lợi đã đầy ắp. Do vậy, với mưa đợt này cần hết sức đề phòng, riêng tuyến hồ cả thủy lợi, thủy điện cần đặt trọng tâm kiểm soát chặt chẽ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu, cần thực hiện hai nhiệm vụ song song. Một là, công tác phục hồi, khắc phục hậu quả mưa lũ trong đợt vừa qua, phục hồi sản xuất, phục hồi đời sống, phục hồi môi trường. Hai là, song song với công tác ứng phó với cơn bão số 8, các lực lượng liên quan cần tập trung vào công tác này, đặc biệt về giao thông, điện lực, không để dịch bệnh xảy ra,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực