Giao Trung tâm dịch vụ việc làm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài?

Thứ sáu, 23/10/2020 19:11
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,
Toàn cảnh phiên họp chiều 23/10.

Tiếp tục kỳ họp thứ 10, chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi chỉnh lý, Dự thảo Luật gồm 08 Chương và 76 điều, giảm 03 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (bãi bỏ 05 Điều, bổ sung mới 01 Điều và tách 02 Điều). So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 34 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Người lao động sẽ có thêm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài

Thảo luận về dự luật này, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu là về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, do đây là vấn đề mới, đang có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo 02 phương án.

Phương án 1: Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (quy định tại điểm a khoản 1, Điều 37 của Luật Việc làm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.

Phương án 2: Không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Theo đó, bà Thúy Anh cho hay, kết quả, đã có 26/40 Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn Phương án 1.

"Do vẫn còn ý kiến khác nhau và chưa có phương án nhận được đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, quyết định", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chọn phương án 1.

Đồng thuận với phương án này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) bày tỏ tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ. Theo đại biểu, như vậy người lao động sẽ có thêm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, và không nên hạn chế số lượng doanh nghiệp dịch vụ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cũng tán thành phương án 1, đồng thời đề nghị quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ người lao động, không làm phát sinh bộ máy để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế khi triển khai tại các địa phương, giúp người lao động kịp thời có việc làm, góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Cũng tán thành Phương án 1, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) phân tích thêm, việc giao đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm thực hiện thỏa thuận của quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, đảm bảo tính tuân thủ và hạn chế bớt việc nảy sinh các vấn đề phức tạp về phí dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động quốc tế ở địa phương. “Giai đoạn 2018 -2020 diễn ra chương trình lao động thời vụ visa C4 tại Hàn Quốc thông qua thỏa thuận giữa các địa phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến nay đã có 5 địa phương thí điểm giao trung tâm dịch vụ việc làm ký họp đồng, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trong ngành nông nghiệp, đảm bảo hiệu quả đáp ứng nhu cầu tuyển dụng” – đại biểu nêu thực tế.

Phân tích sâu hơn về lý do vì sao nên lựa chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nhận xét, phương án 1 tính thực tiễn cao hơn, vì với quy định theo phương án này đưa ra, đơn vị sự nghiệp là trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh được thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thoả thuận quốc tế. “Chúng tôi cho rằng, điều này đã bổ sung một thực tiễn, đưa chính sách, đưa pháp luật vào cuộc sống” - đại biểu nói.

Thêm nữa, theo đại biểu, cả nước có hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm của bộ ngành và các tỉnh, các Trung tâm này thể hiện được 7 nhiệm vụ mà trong Luật Việc làm quy định. Đồng thời, đây cũng là nơi tạo nguồn, là một kênh để các đơn vị xuất khẩu được cấp phép tìm kiếm người đi làm việc.

Do đó, "thực chất các Trung tâm việc làm này đã thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều năm", ông nói.

Ông cho rằng, trước đây, đưa các lao động đi làm việc nước ngoài vẫn theo quy định của luật này, song để đáp ứng thực tiễn hơn, dự thảo luật đã bổ sung thêm các Trung tâm được có tư cách pháp nhân để trực tiếp thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thẩm quyền, đó là thực hiện điều ước quốc tế do địa phương thỏa thuận.

Bổ sung thêm trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Bùi thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đánh giá cao việc dự thảo luật đã bổ sung quyền của người lao động Việt Nam được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, hoặc có nguy cơ rõ ràng bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong quá trình thực hiện công việc.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quyền của người lao động Việt Nam được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp không được bố trí vị trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc; không được đảm bảo điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thỏa thuận mặc dù người lao động đã có khiếu nại chính đáng nhưng không được quan tâm giải quyết.

“Quy định này sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động, nâng cao trách nhiệm của đơn vị dịch vụ trong việc trực tiếp tư vấn, tuyển chọn lao động và xử lý những vấn đề phát sinh trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” – đại biểu nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, quan tâm đến quy định giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, dự thảo luật quy định chỉ được giao cho không quá 03 đơn vị phụ thuộc thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng  là xuất phát từ đánh giá tổng kết thi hành luật hiện hành đã chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ. “Nếu để quá nhiều chi nhánh trong bối cảnh năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế thì không tránh khỏi tình trạng khó kiểm soát tiêu cực lừa đảo” – đại biểu nói.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu đoàn Hải Phòng, việc quy định không quá 3 chi nhánh sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm lao động đồng thời chưa thống nhất với các quy định của luật doanh nghiệp. “Rất nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách mở 3 chi nhánh nhưng lại thành lập rất nhiều văn phòng đại diện đăng ký hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố” – đại biểu nói.

Đại biểu cũng đề nghị cần có các quy định về phương thức quản lý phù hợp nhằm hạn chế tình trạng lách luật như hiện nay, nhưng cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thị trường, người lao động thuận tiện hơn trong việc tiếp cận dịch vụ./.


Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực