Hai thành phố lớn vẫn đề nghị tăng phí, tăng mức phạt vi phạm giao thông

Thứ tư, 13/01/2010 15:03

Để hạn chế phương tiện cá nhân tham gia lưu thông tại khu vực trung tâm, tránh ùn tắc, ngoài việc xây dựng các trung tâm vệ tinh, đưa trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất Chính phủ cho thành phố thu tăng phí lưu thông, phí đậu xe ôtô vào trung tâm; số tiền thu được sẽ đầu tư ngược lại cho việc duy tu đường. Hà Nội cũng đề xuất tăng mức phạt.

Ngày 12/1, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải, Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị ATGT toàn quốc năm 2009. Tham dự có đồng chí Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; đồng chí Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nguyên nhân thuộc về ý thức

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2009, cả nước đã xảy ra 12.492 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người, so với năm 2008 đã giảm 390 vụ, giảm 78 người chết, giảm 152 người bị thương. Đáng quan tâm nhất là 80% số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách là xe tư nhân, xe của hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải nhỏ không có thương hiệu. Thế nhưng, theo nhận định của Ủy ban ATGT Quốc gia thì mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là giảm 5% số người chết bởi thực thế còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là TNGT liên quan đến xe ôtô chở khách, tai nạn đò ngang ở đường thủy, tai nạn đường sắt. Nếu như số vụ TNGT giảm thì ngược lại, số vụ ùn tắc lại gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông còn kém (85,5% số vụ TNGT do lỗi của người tham gia giao thông gây ra). Thêm nữa, cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư cải tạo nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh của phương tiện, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, số đường ngang dân sinh mở trái phép bị đóng ít hơn số vi phạm mới. Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng (năm 2009, số lượng mô tô, xe gắn máy đã tăng thêm 10,5%, ôtô tăng 14,1%)…

Tiếp tục đề xuất tăng mức xử phạt, thu phí phương tiện lưu thông theo cơ chế đặc thù

Trước thực trạng ùn tắc luôn gia tăng, tai nạn giao thông phức tạp, vi phạm luật Giao thông còn nhiều tại các thành phố lớn, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có chung quan điểm là đề xuất Chính phủ cho phép tăng mức xử phạt, thu phí phương tiện lưu thông theo cơ chế đặc thù của địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngoài biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra vi phạm; ưu tiên hoàn thành các tuyến đường vành đai 3, 4, đường xuyên tâm thì Chính phủ nên cho Hà Nội tăng mức xử phạt vi phạm so với quy định đã đề ra để tạo sức răn đe.

Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch cũng hứa, trong thời gian tới sẽ tiếp tục yêu cầu Sở GTVT giải quyết những bất cập trong vấn đề phân luồng, đồng thời triển khai nhanh các dự án đường sắt đô thị, đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở Thành Công, Dịch Vọng; bãi đỗ xe trên cao ở Mỹ Đình.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, là một thành phố đông dân nhất nước với hơn 9 triệu dân (kể cả người tạm cư), gần 5 triệu xe môtô, xe máy, nếu lấy số xe máy và xe ôtô này xếp hàng ra phố thì sẽ không đủ điểm đỗ. Cùng đó, lực lượng CSGT có hạn (600 chiến sĩ), lại không có một trung tâm điều tiết giao thông nên không thể kiểm soát nổi các lỗi vi phạm. Vì vậy, nếu áp dụng mức xử phạt vi phạm Luật Giao thông như đối với các tỉnh thành khác thì là quá nhẹ, không phù hợp với thực tế.

Để hạn chế phương tiện cá nhân tham gia lưu thông tại khu vực trung tâm, tránh ùn tắc, ngoài việc xây dựng các trung tâm vệ tinh, đưa trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô, ông Nguyễn Thành Tài cũng đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt cho thành phố thực hiện phương án thu tăng phí lưu thông, phí đậu xe ôtô vào trung tâm; và số tiền thu được sẽ đầu tư ngược lại cho việc duy tu đường.

Trước đề xuất của các thành phố lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, việc tăng mức xử phạt và thu phí phương tiện lưu thông là một trong những phương án có thể hạn chế được tình trạng ùn tắc và vi phạm giao thông. Thế nhưng, không phải giải pháp nào cũng hữu hiệu triệt để. Vì vậy, để giải quyết hết các vấn đề bức xúc liên quan đến ATGT thì các địa phương cần phải thực hiện đồng thuận các giải pháp và thực hiện lâu dài.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực